Apple gặp bất lợi trong tranh chấp bản quyền liên quan đồng hồ thông minh

Apple phải tạm dừng bán các mẫu đồng hồ thông minh Series 9 và Ultra 2 tại Mỹ từ ngày 18/1, trong lúc nhà sản xuất iPhone này chờ kết quả kháng cáo liên quan tranh chấp bản quyền với Masimo.

Mẫu đồng hồ thông minh Series 9 của Apple được giới thiệu tại Los Angeles, California, (Mỹ), ngày 22/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Mẫu đồng hồ thông minh Series 9 của Apple được giới thiệu tại Los Angeles, California, (Mỹ), ngày 22/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 17/1, một tòa phúc thẩm liên bang Mỹ đã ra phán quyết yêu cầu Apple tạm dừng bán các mẫu đồng hồ thông minh mới nhất của hãng này tại Mỹ do tranh chấp bản quyền sáng chế với công ty công nghệ y tế Masimo.

Phán quyết cấm mẫu đồng hồ thông minh Series 9 và Ultra 2 của Apple có hiệu lực từ ngày 18/1 trong khi nhà sản xuất iPhone này được yêu cầu chờ kết quả kháng cáo.

Công ty Masimo có trụ sở tại bang California đã khiếu nại lên Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) vào năm 2021, với cáo buộc Apple đánh cắp bí mật thương mại liên quan đến công nghệ đo nồng độ oxy trong máu và vi phạm bằng sáng chế của Masimo.

Tháng 10/2023, ITC ghi nhận thiết bị cảm biến của Apple đo nồng độ oxy trong máu vi phạm bản quyền của Masimo, theo đó ITC quyết định cấm nhập khẩu các mẫu đồng hồ thông minh Series 9 và Ultra 2 có thiết bị cảm biến này.

Lệnh cấm này dự kiến có hiệu lực từ ngày 26/12/2023.

Tuy nhiên, Apple đã thuyết phục được tòa án Mỹ tạm dừng lệnh cấm một ngày sau đó (27/12/2023) trong thời gian tòa xem xét kháng cáo của Apple. Từ đó đến nay, Apple tiếp tục bán các sản phẩm đồng hồ nêu trên.

Apple sản xuất phần lớn sản phẩm ở nước ngoài, do đó ITC có thẩm quyền đối với các tranh chấp bản quyền.

Các nguồn tin cho biết Apple đang dự kiến loại bỏ công nghệ tranh cãi nói trên trong các dòng đồng hồ thông minh Series 9 và Ultra 2. Masimo hoan nghênh giải pháp này.

Masimo cho rằng công ty đã phát minh ra công nghệ này và Apple đã săn đón các nhân viên chủ chốt để tiếp cận bí quyết.

Tuy nhiên, Apple cho rằng kết luận của ITC không đúng và hãng đã kháng cáo lên Tòa phúc thẩm liên bang. Việc chờ đợi quyết định có thể mất ít nhất một năm.

Ngoài vụ việc trên, Apple cũng vướng vào cuộc chiến pháp lý từ năm 2020 với Epic Games - nhà sản xuất trò chơi Fortnite nổi tiếng.

Trong hồ sơ tòa án liên quan đến tranh chấp này ngày 16/1, Apple đã đưa ra kế hoạch nới lỏng kiểm soát các ứng dụng trên iPhone và iPad.

Apple cho biết sẽ cho phép các nhà phát triển ứng dụng iPhone sử dụng các hệ thống thanh toán thay thế, nhưng vẫn phải trả phí giao dịch 27% và đáp ứng một số điều kiện.

Apple có động thái trên sau khi Tòa án Tối cao Mỹ từ chối xét xử kháng cáo của Apple và Epic về phán quyết của tòa án cấp dưới, trong đó nhà sản xuất iPhone được xử là bên thắng.

Cuộc chiến pháp lý giữa Apple và Epic Games nổ ra sau khi Apple gỡ game "Fortnite" trên kho ứng dụng di động App Store từ ngày 13/8/2020, nhằm đáp trả việc Epic Games triển khai hệ thống thanh toán mới thông qua máy chủ của công ty.

Động thái này của Epic Games sẽ cho phép người tham gia "Fortnite" mua hàng trực tiếp trong game này không cần qua hệ thống mua hàng trong ứng dụng của Apple để không phải trả phí trung gian 30%.

Epic Games đã đệ đơn kiện Apple lên tòa án liên bang khu vực Bắc California yêu cầu tập đoàn này chấm dứt "hành vi phản cạnh tranh" cũng như quy định yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng trả 30% phí giao dịch khi thực hiện trên kho ứng dụng App Store.

Theo Epic Games, Apple đã vi phạm các nguyên tắc thanh toán tích hợp trong ứng dụng của hai công ty này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục