Apple tuyên bố chống lệnh tòa án đòi mở máy iPhone bị khóa

Apple chống lệnh tòa đòi mở máy iPhone bị khóa của kẻ khủng bố

Giám đốc điều hành Apple Tim Cook ngày 17/2 tuyên bố hãng này phản đối yêu cầu mở khóa một chiếc iPhone của 1 đối tượng gây ra vụ xả súng ở California hồi tháng 12 năm ngoái.
(Nguồn: AFP)

Giám đốc điều hành Apple Tim Cook ngày 17/2 tuyên bố hãng này phản đối yêu cầu của tòa án đòi mở khóa một chiếc iPhone của 1 đối tượng gây ra vụ xả súng ở California hồi tháng 12 năm ngoái.

Trước đó, một thẩm phán tòa án liên bang Mỹ đã ra phán quyết yêu cầu Apple mở khóa chiếc iPhone thuộc sở hữu của Syed Rizwan Farook, đối tượng cùng vợ là Tashfeen Malik gây ra vụ xả súng là 14 người thiệt mạng hồi tháng 12 năm ngoái ở San Bernardino, bang California, để phục vụ điều tra.

"Chúng tôi có sự tôn trọng lớn với các chuyên gia tại Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI), và chúng tôi tin rằng ý định của họ là tốt. Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã làm tất cả mọi thứ trong khả năng của mình và trong phạm vi luật pháp để giúp đỡ họ," ông Cook viết trong một lá thư được công bố trên trang web của Apple.

"Nhưng bây giờ chính phủ yêu cầu chúng tôi làm điều chúng tôi đơn giản là không có, và một việc mà chúng tôi cho là quá nguy hiểm để tạo ra. Họ đã yêu cầu chúng tôi xây dựng một backdoor [một phần mềm gián điệp để lấy thông tin trên thiết bị máy tính] trên iPhone," ông nói.

Farook và vợ Tashfeen Malik đã bị cảnh sát bắn hạ ngay sau khi gây ra vụ xả súng. Tại hiện trường, cảnh sát đã thu giữ được một chiếc iPhone của Farook nhưng lại không thể mở máy để truy cập các dữ liệu bên trong. Do vậy, một tòa án liên bang đã yêu cầu Apple trợ giúp FBI mở khóa chiếc iPhone để phục vụ điều tra.

Tuy nhiên, điều này đã xâm phạm vào các quy tắc bảo mật dữ liệu của Apple và Tim Cook tuyên bố hãng của ông sẽ phản đối phán quyết trên.

Tim Cook cho biết ông không thể tạo ra một tiền lệ cho việc phá vỡ các quy tắc về quyền riêng tư của khách hàng, vốn đã tạo nên thương hiệu, uy tín của hãng.

Đây không phải lần đầu tiên, phía Apple lên tiếng phản đối yêu cầu can thiệp kỹ thuật để mở khóa các thiết bị do hãng này sản xuất từ các cơ quan chức năng Mỹ. 

Apple và nhiều hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ đã nhiều lần lên tiếng phản đối các chính sách buộc họ phải hỗ trợ các cơ quan chính phủ truy cập vào các thiết bị di động của khách hàng. 

Trong khi đó, các chính sách về bảo mật, quyền riêng tư khách hàng của hãng công nghệ trong bối cảnh khủng bố, tội phạm nguy hiểm gia tăng đang tạo ra các cuộc tranh cãi ở Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục