Apple cho biết tất cả các sản phẩm iPhone, iPad và các sản phẩm khác của hãng này sẽ được làm hoàn toàn từ vật liệu tái tạo hoặc tái chế.
Trong báo cáo môi trường hàng năm, công ty công nghệ có trụ sở California (Mỹ) cũng cho biết các hoạt động sản xuất của hãng được vận hành theo "chuỗi cung cấp khép kín," mà về mặt lý thuyết là không có tác động đến môi trường.
["Kẻ giết người thầm lặng" từ rác thải điện tử]
Đây là cam kết mới nhất và đáng chú ý của Apple trong bối cảnh hoạt động sản xuất điện thoại thông minh của Apple, Samsung và các hãng khác bị cho là đã thải ra môi trường hàng triệu tấn CO2 mỗi năm.
Nhiều điện thoại thông minh có các thành phần được tạo từ các khoáng vật như vonfram, tantali, coban và vàng, vốn đang là tâm điểm của các tranh chấp, xung đột cũng như sự xuống cấp của môi trường do các hoạt động khai khoáng gây ra.
Hồi tháng Ba, Apple đã ngừng mua coban được khai thác thủ công tại Congo, dựa theo báo cáo về tình trạng lao động trẻ em và điều kiện làm việc nguy hiểm. Theo Sky News, trẻ em dưới 8 tuổi ở Congo đã làm việc 12 tiếng đồng hồ khi mang các bao tải nặng, trong điều kiện thời tiết đôi khi có mưa lớn, và bị người giám sát đánh đập.
Lisa Jackson, chủ tịch chính sách môi trường của Apple, nói trong một cuộc phỏng vấn với Vice News: "Chúng tôi thực sự đang làm những điều mà chúng tôi hiếm khi làm, đó là thông báo một mục tiêu trước khi chúng tôi hoàn toàn hiểu được làm thế nào để thực hiện nó."
Để thực hiện cam kết trên, Apple đã tiến hành các bước tái chế sản phẩm trong quá trình sản xuất.
Thứ nhất, khuyết khích để tạo ra một số lượng lớn người dùng đem tái chế các sản phẩm của hãng không còn sử dụng.
Apple đã tạo ra một cỗ máy gọi là "Liam" có thể tháo rời khoảng 2,4 triệu chiếc điện thoại một năm để tách các bộ phận có thể được tái sử dụng.
Apple cũng cho biết cần phải làm nhiều hơn nữa để giảm 29,5 triệu tấn khí thải nhà kính ước tính. Hơn một phần ba trong số này là từ sản xuất nhôm - một quá trình sử dụng nhiều năng lượng. Apple cho biết họ đã giảm được số nhôm trong iPhone 7 xuống 27% so với iPhone 6.
Công ty cũng đã gây áp lực lên các nhà cung cấp của mình để giảm phát thải khí cácbon, với 7 công ty đã cam kết sẽ sử dụng toàn bộ năng lượng sản xuất bằng năng lượng tái tạo.
Gary Cook, một nhà phân tích cấp cao của tổ chức Greenpeace International (Hòa bình xanh Quốc tế) cho biết: "Cam kết của Apple với 100% nguyên liệu tái chế là tham vọng và nhấn mạnh sự cần thiết phải thực thi các biện pháp khẩn cấp hơn nữa trong ngành công nghiệp điện tử để giảm tiêu thụ tài nguyên và chất thải điện tử đang gây ra những tác động đáng kể tới môi trường và sức khỏe con người. Việc chuyển sang nguyên liệu không nguyên chất sẽ giúp giảm nhu cầu về kim loại và các đầu vào khác, đồng thời tăng tỷ lệ tái chế trực tiếp các thiết bị điện tử."
"Cam kết này, và những tiến bộ gần đây của Apple trong việc chuyển đổi chuỗi cung ứng của mình ở châu Á sang năng lượng tái tạo, làm cho họ vượt xa những đối thủ khác trong ngành công nghiệp điện tử. Các thương hiệu IT lớn như Samsung, Huawei và Microsoft sẽ nhanh chóng thích ứng với vai trò lãnh đạo của Apple"./.