Cơ quan giám sát tiêu dùng của Australia ngày 5/4 đã kiện hãng điện tử Apple ra tòa với cáo buộc hãng này sử dụng bản cập nhật phần mềm để vô hiệu hóa những chiếc điện thoại iPhone bị lỗi màn hình và được sửa chữa bởi một bên thứ ba.
Trong lá đơn gửi lên tòa án, Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng của Australia (ACCC) cho hay “gã khổng lồ” về công nghệ của Mỹ đã biến hàng trăm chiếc điện thoại thông minh iPhones và máy tính bảng thành “cục gạch,” hoặc vô hiệu hóa những thiết bị này bằng các phiên bản cập nhật phần mềm, rồi sau đó từ chối mở khóa với lý do người dùng đã sử dụng dịch vụ sửa chữa của một bên thứ ba không phải là “trái táo khuyết.”
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch ACCC Rod Sims cho biết quyền lợi của người tiêu dùng, theo luật bảo vệ người dùng của Australia, tồn tại độc lập với bất kỳ chính sách bảo hành nào của nhà sản xuất và sẽ không bị vô hiệu hóa đơn giản chỉ vì họ có sản phẩm được sửa chữa bởi một bên thứ ba.
Theo giới chức Australia, trong giai đoạn từ tháng 9/2014 đến tháng 2/2016, nhiều khách hàng của Apple khi tải phần mềm cập nhật và sau đó kết nối thiết bị của họ với máy tính đã nhận được thông báo rằng thiết bị “không thể được phục hồi và đã ngừng hoạt động.”
Khi được liên hệ để giải quyết tình trạng này, phía Apple phản hồi rằng họ không có trách nhiệm và sẽ không tiến hành sửa chữa miễn phí đối với những trường hợp trên.
Theo ACCC, Apple đã có những hành vi lừa dối và đưa ra tuyên bố sai lạc hoặc gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng về việc cập nhật phần mềm cũng như quyền lợi của họ đối với chính sách sửa chữa của công ty.
Như vậy là vận may vẫn tiếp tục đeo bám Apple sau khi hãng này vừa may mắn giành chiến thắng trong vụ tranh chấp với giới chức Australia liên quan đến ứng dụng Apple Wallet.
Hiện, phía Apple vẫn chưa đưa ra lời bình luận chính thức về vấn đề này./.