APPF-29: Góp phần thúc đẩy hòa bình, phát triển, phục hồi sau đại dịch

Tại hội nghị, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu sẽ tham dự và phát biểu tại 2 phiên toàn thể quan trọng về các vấn đề chính trị-an ninh và kinh tế-thương mại.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Nhận lời mời của Ngài Park Byeong Seug, Chủ tịch Quốc hội Đại Hàn Dân Quốc - nước chủ nhà Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-29), Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu, sẽ tham dự Hội nghị theo hình thức trực tuyến từ ngày 13-15/12.

Diễn đàn Nghị viện đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực

Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF), do cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuhiro Nakasone sáng lập, là một diễn đàn dành cho các nghị sỹ, nghị viện các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm mục tiêu hỗ trợ trực tiếp cho Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

APPF thành lập ngày 15/3/1993, là một hành động để thúc đẩy sự gắn bó và hợp tác khu vực hơn nữa với trọng tâm được hướng vào hợp tác vì sự phát triển hơn nữa của hòa bình, tự do, dân chủ và thịnh vượng; hợp tác mở và đồng đều nhằm mở rộng thương mại tự do và đầu tư, phát triển bền vững và các hoạt động môi trường hợp lý; và hợp tác phi quân sự, là hoạt động sẽ dành sự quan tâm thích hợp đối với các vấn đề liên quan đến an ninh và hòa bình của khu vực.

[Chủ tịch Quốc hội tham dự Hội nghị APPF-29 theo hình thức trực tuyến]

Hiến chương thành lập của APPF là Tuyên bố Tokyo, văn kiện được ký kết bởi 59 nghị sỹ từ 15 quốc gia, thiết lập cấu trúc cơ bản của tổ chức.

Hội nghị trù bị đầu tiên của APPF được tổ chức ở Singapore tháng 8/1991. Nghị sỹ từ 9 nước: Australia, Canada, Indonesia, Nhật Bản, New Zealand, Philippines, Hàn Quốc, Singapore và Hoa Kỳ đã tham dự hội nghị.

Hội nghị trù bị mở rộng lần thứ hai được tổ chức ở Canberra ngày 10-11/12/1991. Thành phần tham dự gồm 37 nghị sỹ từ 15 nước (Australia, Brunei - quan sát viên, Canada, Indonesia, Nhật Bản, Mexico, Micronesia, New Zealand, Papua New Guinea, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và Hoa Kỳ).

Tại Hội nghị Canberra, các đại biểu tham dự đã quyết định tổ chức Hội nghị khai mạc APPF vào năm 1992 ở Hàn Quốc hoặc Nhật Bản vào thời gian do Ủy ban Điều phối quyết định.

Ủy ban Điều phối APPF do Ngài Yasuhiro Nakasone làm chủ tịch và gồm Thái Lan (đại diện cho ASEAN), Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, được thành lập để tiến hành những chuẩn bị cần thiết cho Hội nghị khai mạc.

Năm 1993, tại Tokyo (Nhật Bản) Diễn đàn APPF được chính thức thành lập, thông qua Tuyên bố Tokyo. Hội nghị thường niên APPF lần thứ 2 tại Philippines đã thông qua quy chế của Diễn đàn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam dự APPF-29. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Về nguyên tắc, APPF mở rộng cho tất cả các nghị viện, nghị sỹ quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương với tư cách là thành viên liên kết, quan sát viên hoặc do các Hội nghị thường niên APPF xác định.

APPF hiện có 27 nghị viện thành viên gồm Australia, Campuchia, Canada, Costa Rica, Chile, Colombia, Trung Quốc, Ecuador, Fiji, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, quần đảo Marshalls, Mexico, Micronesia, Mông Cổ, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam. Brunei là quan sát viên của APPF.

Tôn chỉ, mục đích của APPF là hợp tác để gìn giữ hòa bình, phát triển, tự do, dân chủ và thịnh vượng; mở rộng và không loại trừ bất cứ phương thức hợp tác nào nhằm tăng cường hơn nữa tự do thương mại, đầu tư và phát triển bền vững; không hợp tác quân sự, các hoạt động của diễn đàn chỉ nhằm phát huy ý tưởng vì hòa bình, an ninh, phát triển; giữ gìn, thúc đẩy sự phát triển và giao lưu giữa các nền văn hóa của các dân tộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chủ tịch APPF đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Chấp hành, là Chủ tịch Quốc hội nước chủ nhà hội nghị thường niên. Ông Yasuhiro Nakasone, cố Thủ tướng Nhật Bản, là người sáng lập và là Chủ tịch danh dự của APPF. 

Trong quá trình phát triển, APPF thông qua những Tuyên bố mang tính dấu mốc lịch sử. Đến nay, APPF có 5 Tuyên bố.

Đó là, Tuyên bố Tokyo (tháng 1/1993), thành lập chính thức Diễn đàn APPF, đề ra mục tiêu, hoạt động, nguyên tắc chỉ đạo, các điều kiện kết nạp thành viên và cơ cấu tổ chức của diễn đàn; Tuyên bố Vancouver (tháng 1/1997) được Hội nghị APPF 5 thông qua, đề ra tầm nhìn đối với cơ chế hợp tác liên nghị viện này, những mục tiêu và vai trò của APPF trong thế kỷ mới; Tuyên bố Valparaiso (tháng 1/2001) được Hội nghị APPF 9 thông qua tại Chile, hình thành nguyên tắc hợp tác của các nghị viện khu vực Thái Bình Dương (Pacific Basin Charter) trong thế kỷ 21; Tuyên bố "Tokyo mới" (tháng 1/2012) được Hội nghị APPF 20 thông qua tại Nhật Bản, khẳng định lại những nguyên tắc của APPF; Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn mới cho Quan hệ đối tác Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương được Hội nghị APPF 26 thông qua tại Việt Nam tháng 1/2018, đánh dấu kỷ niệm 25 năm thành lập APPF.

Thành viên tích cực, trách nhiệm của APPF

Quốc hội Việt Nam tham gia APPF từ tháng 1/1995. Kể từ khi là thành viên của APPF, Quốc hội Việt Nam luôn tham gia tích cực vào các hoạt động của Diễn đàn này, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Dấu ấn đặc biệt chính là Quốc hội Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị APPF-13 vào tháng 1/2005 tại Hạ Long (Quảng Ninh). Hội nghị đã thu hút sự tham dự đông đảo của 22 nghị viện thành viên và nghị viện quan sát viên (Brunei).

Hội nghị APPF 26 tổ chức vào từ 18-21/1/2018 tại Hà Nội với sự tham dự của 22 đoàn nghị viện thành viên, kể cả Việt Nam, 365 khách quốc tế, trong đó có 7 đoàn Cấp Chủ tịch Quốc hội, 10 đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội, đặc biệt có Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Tổng Thư ký IPU, nguyên Chủ tịch IPU.

Toàn cảnh phiên họp ban chấp hành APPF-26. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thành công của Hội nghị APPF-26 là một điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, góp phần vào những thành công chung về các hoạt động ngoại giao của Việt Nam.

Đóng góp quan trọng của Quốc hội Việt Nam tại APPF 26 là bản Tuyên bố về Tầm nhìn về sự phát triển của quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương tới năm 2030.

Hầu hết Nghị viện các nước ASEAN đều cử đoàn cấp cao tham dự. Hằng năm, Quốc hội đều cử Đoàn tham dự Hội nghị, đặc biệt trong đó có một số đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội như Đoàn Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự APPF-21 tại Vladivostok, Liên bang Nga (tháng 1/2013), Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dự APPF-20 tại Nhật Bản (tháng 1/2012).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị APPF 27 tại Campuchia (tháng 1/2019), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tham dự Hội nghị APPF 28 tại Australia (tháng 1/2020).

Trong lần tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-29), Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu sẽ tham dự và phát biểu tại hai phiên toàn thể quan trọng của Hội nghị về các vấn đề chính trị, an ninh và các vấn đề kinh tế, thương mại, theo hình thức trực tuyến.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết, việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự APPF-29 tại Hàn Quốc thể hiện trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam đối với ngoại giao nghị viện đa phương, thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đối với các vấn đề an ninh, hòa bình và ổn định khu vực, Chủ tịch Quốc hội sẽ nhấn mạnh kêu gọi các nước tăng cường hợp tác, đoàn kết để duy trì môi trường hòa bình, an ninh cũng như hợp tác khu vực, nhất là đối với vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh hàng không, hàng hải ở các vùng biển, trong đó có Biển Đông; hợp tác để phòng, chống đại dịch COVID-19 một cách có hiệu quả nhất, chia sẻ nguồn vaccine phòng COVID-19, chuyển giao công nghệ và có thể thực hiện tốt nhất thỏa thuận của Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) bế mạc tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) vừa qua, thích ứng một cách hiệu quả đối với vấn đề về biến đổi khí hậu.

Đối với các vấn đề kinh tế, dự kiến Chủ tịch Quốc hội sẽ đề nghị các nước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong khu vực để có thể hài hòa hóa pháp luật về chuyển đổi số, chuyển đổi nền kinh tế và cùng nhau hợp tác thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch, kết nối số, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, nền kinh tế xanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục