APEC sẽ ưu tiên giải quyết thách thức an ninh lương thực

Hội nghị APEC tập trung thảo luận những thách thức an ninh lương thực mới và yêu cầu thúc đẩy phát triển sáng tạo để bắt kịp với các điều kiện khu vực.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ban thư ký APEC cho biết Hội nghị quan chức cấp cao các ngành nông nghiệp và công nghiệp các nền kinh tế thành viên APEC mới đây tại Thanh Đảo, Trung Quốc, đã tập trung trao đổi và thảo luận về những thách thức an ninh lương thực mới và yêu cầu thúc đẩy phát triển sáng tạo để bắt kịp với các điều kiện khu vực cũng như toàn cầu đang thay đổi và đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực trong dài hạn.
Hội nghị cũng đã dành ưu tiên cho vấn đề tăng cường hợp tác công-tư để cải thiện sản xuất và chuỗi cung cấp để đảm bảo sự tiếp cận với các nguồn cung lương thực an toàn và chất lượng cao trên khắp châu Á-Thái Bình Dương - khu vực được đánh giá là thị trường nôngnghiệp lớn nhất thế giới.
Phát biểu tại hội nghị, tiến sỹ Han Jizhi, Chủ tịch Quan hệ đối tác chính sách APEC về an ninh lương thực cho biết, theo ước tính của Liên Hợp quốc, dân số thế giới, dự kiến ​​sẽ tăng từ 7,2 tỷ người hiện nay lên 9,6 tỷ vào năm 2050, và sản xuất nông nghiệp sẽ cần phải tăng 70% để đáp ứng nhu cầu vào thời điểm đó.
Và đây cũng là nhiệm vụ khó khăn của APEC, khi các nền kinh tế thành viên của tổ chức này chiếm tới 40% dân số thế giới.
Dân số và tiêu dùng nội địa gia tăng cùng với sự gia tăng thu nhập trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, được đặc trưng bởi sự chuyền dịch sang các bữa ăn giàu protein, đang thúc đẩy hợp tác công tư để đáp ứng nhu cầu lương thực trong tương lai.
Công nghiệp hóa và đô thị hóa ngày một mạnh mẽ nhưng nguồn tài nguyên đất canh tác và nước đang tiếp tục giảm cùng với áp lực môi trường gia tăng.
Sư thay đổi toàn cầu này đặt ra những thách thức to lớn đối với sản xuất và tiếp cận lương thực, đòi hỏi phải được giải quyết một cách đúng đắn, bởi nếu không, các tác động đối với an ninh lương thực trong khu vực sẽ trở nên rất nghiêm trọng.
Theo tiến sỹ Han Jizhi, trong khuôn khổ Quan hệ đối tác chính sách APEC về an ninh lương thực, các nền kinh tế APEC đang làm việc với khu vực tư nhân để thúc đẩy phát triển nông ngư nghiệp bền vững và tạo thuận lợi cho đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng.
Quan hệ này được các nhà lãnh đạo APEC nhất trí thành lập năm 2011 như một kênh để chia sẻ các dữ liệu, những thực hành tốt nhất và những ý tưởng chính sách để hỗ trợ cho mục tiêu đảm bảo án ninh lương thực, và APEC hiện đang triển khai Lộ trình an ninh lương thực đến năm 2020.
Tiến sỹ Han Jizhi nhấn mạnh rằng các loại giống mới, canh tác, tưới tiêu và phân bón tốt hơn đã làm tăng đáng để năng suất cũng như sản lượng lương thực.
Cải thiện các điều kiện cho việc trao đổi công nghệ nông nghiệp, áp dụng các hệ thống quản lý sau thu hoạch tốt hơn để giảm thất thoát và lãng phí lương thực, phát triển các tiêu chuẩn và dỡ bỏ nhiều hơn các hàng rào cho các chuỗi cung cấp là những vấn đề quan tâm ưu tiên của APEC.
Trên cơ sở này, quan hệ đối tác chính sách APEC về an ninh lương thực đang theo đuổi một cách tiếp cận toàn diện trong hợp tác công-tư để tăng năng lực sản xuất lương thực và đảm bảo rằng nguồn cung cấp thực phẩm lưu thông một cách hiệu quả, an toàn và chi phí thấp trong khu vực châu Á-Thái Bình dương, nhằm kiểm soát giá cà và tăng cường sức khỏe và dinh dưỡng cho mọi người dân trong khu vực.
Dự kiến, các Bộ trưởng APEC liên quan sẽ nhóm họp tại Hạ Môn, Trung Quốc, vào ngày 27-28/8 tới, và sau đó là Hội nghị Bộ trưởng APEC về an ninh lương thực ở Bắc Kinh vào ngày 8-19/9./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục