APEC: Phục hồi doanh nghiệp phụ nữ làm chủ thông qua tài chính số

Hội thảo đề xuất các giải pháp để tận dụng hiệu quả tài chính số nhằm thúc đẩy sự phục hồi của MSMEs do phụ nữ làm chủ, đóng góp vào các nỗ lực phục hồi kinh tế, tài chính bao trùm hiện nay.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với các đại biểu dự hội thảo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với các đại biểu dự hội thảo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Sáng 8/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp Ban Thư ký Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tổ chức Hội thảo “Tận dụng kỹ năng tài chính số đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) do phụ nữ làm chủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng bao trùm dưới ảnh hưởng của COVID-19” với sự tham dự của gần 80 đại biểu quốc tế và Việt Nam tại hơn 30 điểm cầu trực tuyến từ 21 thành viên APEC cùng 5 tổ chức quốc tế, khu vực.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Phiên khai mạc Hội thảo cùng với sự tham dự của Tiến sỹ Rebecca Fatima Sta Maria, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC, ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện Văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam.

Hội thảo là sáng kiến do Việt Nam xây dựng, đề xuất và được Nhóm Đối tác Chính sách Phụ nữ và Kinh tế APEC (PPWE) thông qua năm 2019.

Sáng kiến được các thành viên APEC ủng hộ mạnh mẽ, với 13 nền kinh tế tham gia đồng bảo trợ, phối hợp triển khai sáng kiến.

Phát biểu tại Phiên khai mạc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định 2020 là một năm dấu ấn với APEC với việc thông qua Tầm nhìn APEC tới năm 2040 định hướng cho hợp tác APEC trong những thập niên tới, trong đó có đổi mới, sáng tạo và số hóa; tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm, tự cường là những trụ cột hợp tác quan trọng.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, tài chính số (fintech) đang đóng vai trò ở tuyến đầu thúc đẩy bao trùm tài chính trước những cú sốc kinh tế.

Tận dụng hiệu quả tài chính số giúp MSMEs do phụ nữ làm chủ, cũng như các nhóm dễ bị tổn thương khác sử dụng hiệu quả nguồn tài chính mà trước đây khó tiếp cận thông qua các ngân hàng, tổ chức tài chính truyền thống.

Tiến sỹ Rebecca Fatima Sta Maria, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC phát biểu đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo của Việt Nam, đồng thời chia sẻ doanh nghiệp MSMEs do phụ nữ làm chủ đang phải chịu những gánh nặng, áp lực từ tác động tiêu cực của các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế đi lại trong quá trình ứng phó với COVID-19.

[Tầm nhìn APEC sau năm 2020 phản ánh định hướng mà Việt Nam đặt ra]

Bà nhấn mạnh APEC cần tiếp tục vai trò dẫn dắt hàng đầu trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cần đặt phụ nữ vào trung tâm của quá trình phục hồi kinh tế.

Các thành viên APEC cần tập trung không chỉ vào giải quyết các thách thức mà còn cả vai trò, đóng góp của phụ nữ trong ứng phó với đại dịch, quá trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế.

Cũng tại Phiên khai mạc Hội thảo, ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện Văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhấn mạnh tài chính số đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu các ảnh hưởng kinh tế-xã hội từ đại dịch COVID-19.

APEC: Phục hồi doanh nghiệp phụ nữ làm chủ thông qua tài chính số ảnh 1Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Ông cũng khẳng định những tác động tích cực của tài chính số tới tăng trưởng kinh tế, thu hẹp khoảng cách giới, đồng thời nhấn mạnh phụ nữ là một trong những ưu tiên hàng đầu, cần đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong giai đoạn hiện nay.

Đây là hội thảo đầu tiên của APEC được triển khai ngay sau Tuần lễ Cấp cao APEC 2020.

Hội thảo tập trung thảo luận tác động của đại dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp MSMEs do phụ nữ làm chủ và cơ hội, tiềm năng mà tài chính số đem lại cho các nữ doanh nhân trong quá trình tiếp cận nguồn lực, từ đó đề xuất các giải pháp để tận dụng hiệu quả tài chính số nhằm thúc đẩy sự phục hồi của MSMEs do phụ nữ làm chủ, đóng góp vào các nỗ lực phục hồi kinh tế, tài chính bao trùm hiện nay.

Hội thảo được kỳ vọng sẽ có những thảo luận thiết thực về các định hướng, giải pháp thúc đẩy quá trình số hóa dịch vụ tài chính trên thế giới nói chung và tại các nền kinh tế thành viên APEC nói riêng.

Cùng với thành công của các hoạt động ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số, Đối thoại Cấp cao ASEM về “Thúc đẩy quyền năng kinh tế của Phụ nữ trong bối cảnh đại dịch COVID-19” (diễn ra từ 12-13/10/2020), hội thảo góp phần tiếp tục khẳng định vai trò, đóng góp của Việt Nam tại các khuôn khổ đa phương cũng như trong các nỗ lực toàn cầu về thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, nhất là khi tăng cường hỗ trợ phụ nữ trong giai đoạn phục hồi kinh tế do tác động của COVID-19 trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra trong hai buổi sáng các ngày 8-9/12 dưới hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp với 4 phiên thảo luận chính về những cơ hội, thách thức từ tài chính số với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, thực tiễn và kinh nghiệm thúc đẩy, tận dụng tài chính số tại các nền kinh tế thành viên APEC đồng thời đề xuất các giải pháp tài chính số cho MSMEs do phụ nữ làm chủ vì phục hồi kinh tế vào tài chính bao trùm tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục