Trang mạng themalaysianreserve.com đưa tin lãnh đạo các nền kinh tế tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ngày 20/11 đã có thể gác lại khác biệt để ra tuyên bố chung đầu tiên kể từ năm 2017, cam kết mở cửa thương mại và đầu tư để hồi sinh nền kinh tế bị ảnh hưởng trầm trọng bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19).
Sự đối đầu mạnh mẽ giữa Mỹ và Trung Quốc - vốn cản trở sự phát triển của khu vực trong những năm gần đây - gần như không xuất hiện trong cuộc họp thường niên được tổ chức dưới hình thức trực tuyến trong năm nay, trong bối cảnh Washington im lặng bất thường trước những nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump không tham dự một hội nghị bên lề trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra đã khiến mọi chú ý chuyển sang Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thông qua bài phát biểu quan trọng của mình, ông Tập Cận Bình đã ca ngợi thành tích của Trung Quốc trong cuộc chiến chống COVID-19 và kêu gọi các quốc gia cởi mở hơn thay vì đi theo xu hướng tách biệt trong lĩnh vực thương mại, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng tốc.
[APEC 2020: Tái khẳng định cam kết với hệ thống thương mại đa phương]
Trong một phát biểu ám chỉ Mỹ, Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ từ chối việc tách biệt nhằm mục đích hình thành một “vòng tròn nhỏ khép kín và cô lập những nền kinh tế khác.”
Sau đó, ông Tập Cận Bình bày tỏ sự quan tâm đầy thiện chí đến việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thể hiện ý định của Trung Quốc muốn mở rộng phạm vi hoạt động sang Đông Nam Á.
Collin Koh Swee Lean, chuyên gia của Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam, nhận định rằng giọng điệu của Trung Quốc tại APEC nhất quán với lập trường của nước này trong vấn đề ngoại giao quốc tế, vốn xoay quanh ông Tập Cận Bình và ý tưởng của ông về “cộng đồng vì tương lai chung cho toàn nhân loại” - một ý tưởng tập trung hoàn toàn vào thúc đẩy chủ nghĩa đa phương.
Trả lời phỏng vấn của tờ The Malaysian Reserve, ông Collin Koh nói: “Điều này một phần không nhỏ nhắm vào cách tiếp cận đơn phương ‘Nước Mỹ trước tiên’ của chính quyền Tổng thống Trump đối với ngoại giao quốc tế, và Bắc Kinh đang tìm cách phản đối cách tiếp cận này. Do đó, nó được thể hiện trong các lập trường của Trung Quốc ở mọi diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt là APEC...
Việc nhấn mạnh chủ nghĩa đa phương nhằm làm nổi bật nhu cầu hợp tác để đối phó với đại dịch COVID-19, về bản chất là cố tình đi ngược lại chủ nghĩa đơn phương của Tổng thống Trump, và tất nhiên, nhằm nhấn mạnh cả nhu cầu hợp tác thương mại - điều mà Bắc Kinh muốn sử dụng để chống lại các cách tiếp cận đơn phương của ông Trump, chẳng hạn như áp đặt thuế quan trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung...
Tóm lại, câu chuyện mà Bắc Kinh đang tìm cách thúc đẩy là Mỹ - với tư cách là một siêu cường - rất ích kỷ và chỉ biết quan tâm đến lợi ích của riêng mình, trong khi Trung Quốc đứng về phía lợi ích của tập thể, vì vậy, thay vào đó, Bắc Kinh đang thúc đẩy chủ nghĩa đa phương.”
Đầu tháng 11 vừa qua, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do ASEAN dẫn đầu đã được ký kết tại Hội nghị Cấp cao Đông Á mà không có sự góp mặt của Mỹ.
Hơn chục thành viên của APEC, bao gồm Nhật Bản, Singapore và Malaysia, đã ký kết hiệp ước.
Cả CPTPP và RCEP đều có ý nghĩa tượng trưng cho vị thế của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Việc Mỹ không tham gia RCEP và rút khỏi CPTPP đã giúp Bắc Kinh chiếm ưu thế trong việc định hình các quy tắc thương mại trong khu vực.
Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã tăng trong 9 tháng đầu năm nay bất chấp đại dịch COVID-19, với tổng kim ngạch thương mại trị giá 481,8 tỷ USD, vượt qua cả Liên minh châu Âu - đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Là nước lớn nhất tham gia RCEP, tính về cả GDP và dân số, Trung Quốc chắc chắn sẽ sử dụng thế mạnh của mình và tận dụng khoảng trống mà Mỹ để lại.
Thủ tướng Malaysia Tan Sri Muhyiddin Yassin, người chủ trì hội nghị thượng đỉnh năm nay, đã phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến hôm 20/11 rằng đại dịch COVID-19 đã khiến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không còn chi phối hội nghị.
Ông Yassin nói: “Những rủi ro về sức khỏe và tác động của nó đối với hệ sinh thái kinh tế toàn cầu là chương trình nghị sự ưu tiên chính của tất cả các nền kinh tế APEC trong năm nay,” đồng thời cho biết thêm các nền kinh tế APEC đã cam kết sẽ kiềm chế, không sử dụng các biện pháp bảo hộ nhằm duy trì thị trường và biên giới mở.
Với tốc độ tăng trưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ giảm từ 3,6% trong năm 2019 xuống chỉ còn 2,7% trong năm nay, ông Yassin cho biết trọng tâm của APEC là thúc đẩy phục hồi kinh tế và phát triển vắcxin với giá thành phải chăng./.