Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ngày 15/11 đã thông qua bản hướng dẫn mới về chất lượng của các khoản vay đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, với việc toàn bộ 21 nền kinh tế thành viên nhất trí cần cân nhắc đến khả năng trả nợ của bên vay trước khi ký kết các thỏa thuận cho vay đầu tư.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp của những người đứng đầu ngành ngoại giao và thương mại của các nền kinh tế thành viên APEC tại Papua New Guinea, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết bản hướng dẫn kêu gọi các bên cho vay khi ký kết các khoản vay đầu tư cần coi tính cởi mở, minh bạch, hiệu quả chi phí và hợp lý tài chính của bên đi vay là những tiêu chuẩn quốc tế cho hoạt động cho vay đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng.
Mặc dù không mang tính ràng buộc, song sự kiện trên đánh dấu lần đầu tiên một văn bản như vậy được ra đời.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh một số nước phát triển như Sri Lanka và Pakistan đang ngập trong các khoản nợ sau khi ký kết hàng loạt khoản vay lớn, chủ yếu với Trung Quốc.
Sự ra đời của bản hướng dẫn do đó được coi là một bước đi thể hiện sự không hài lòng của nhiều nền kinh tế với các dự án cho vay đầu tư cơ sở hạ tầng ồ ạt song thiếu bền vững của Bắc Kinh.
[20 năm tham gia APEC: Từ tầm nhìn chiến lược đến những dấu ấn Việt Nam]
Bên cạnh đó, cũng trong cuộc họp ngày 15/11, các bộ trưởng APEC tái khẳng định tầm quan trọng của việc giữ vững hệ thống thương mại tự do, bất chấp những quan ngại đối với chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump.
Các nền kinh tế nhất trí củng cố vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) như một phần nỗ lực thúc đẩy hơn nữa hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật pháp quốc tế.
Trong một cuộc phỏng vấn khác, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết các bộ trưởng đã nhất trí thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư trong APEC.
Ông Kono cũng cho biết đã kêu gọi các bên sớm hoàn tất quá trình đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một ngày sau khi các bộ trưởng thương mại của 16 nước tham gia RCEP đã không đạt được đồng thuận về các điều khoản chủ chốt trong hiệp định, theo đó các bên nhất trí lùi thời hạn hoàn tất đàm phán sang năm 2019.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Nhật Bản cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), dự kiến sẽ có hiệu lực từ cuối năm nay, đồng thời khẳng định hiệp định thương mại này sẽ giúp giữ vững và củng cố hệ thống thương mại tự do.
Cuộc gặp trên diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh APEC, sự kiện dự kiến diễn ra trong 2 ngày 17 và 18/11 tại Papua New Guinea và quy tụ nhiều lãnh đạo thế giới./.