Phát biểu tại Diễn đàn Tài chính châu Á diễn ra ở ở Hong Kong, Giám đốc điều hành Ban thư ký Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình dương (APEC), tiến sỹ Bollard cho biết APEC hiện dành ưu tiên cho các vấn đề liên quan đến sự thay đổi mô hình tăng trưởng.
Các nền kinh tế trong khu vực đều đang hướng tới nhu cầu trong nước như một động lực tăng trưởng quan trọng và sự gia tăng trong thương mại dịch vụ.
Đây là động thái ngược lại với trong ba thập kỷ trước đây dựa vào vào thương mại với sự tập trung chủ yếu cho hàng hóa chế tạo và chế biến.
Tại diễn đàn, ông Bollard đã nhấn mạnh đến tác động của sự thay đổi mô hình tăng trưởng đến thương mại và đầu tư ở châu Á-Thái Bình dương và phương thức trao đổi mậu dịch giữa các nền kinh tế trong khu vực, nhất là thông qua các sáng kiến mới tại biên giới và qua biên giới.
Theo ông Bollard, mô hình phát triển thay đổi cùng với thương mại hàng hóa và dịch vụ ngày càng phức tạp, từ thương mại điện tử đến các chuỗi cung cấp giá trị gia tăng, đang tác động đến môi trường kinh tế và cách APEC giải quyết thương mại xuyên biên giới.
Thế giới và khu vực đang chứng kiến sự gia tăng trong hàng hóa trung gian, thương mại nội ngành và các chuỗi cung cấp, trong đó sử dụng các giao dịch biên giới tích cực hơn và giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) toàn cầu hóa, khiến quy tắc xuất xứ và giá trị gia tăng trở nên phức tạp hơn nhiều.
Ví dụ, chuỗi cung ứng iPhone của Apple là một mạng lưới phức tạp kéo dài suốt khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với nghiên cứu, phát triển và thiết kế tại Mỹ cho các chip sản xuất tại Malaysia, cảm biến dấu vân tay chế tạo ở Đài Loan, cuộn cảm tại Nhật Bản và sản phẩm cuối cùng iPhone được lắp ráp tại Trung Quốc.
Để đáp ứng chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu như vậy với đặc điểm nổi bật là sự chuyển dịch sản phẩm thành phần qua biên giới và tăng thương mại nội khối, APEC đã đưa ra Sáng kiến Kết nối Chuỗi cung ứng nhằm hợp lý hóa các quy định biên giới để đảm bảo các sản phẩm thành phần có thể được lưu thông dễ dàng qua các biên giới khu vực.
Biên giới hiệu quả đã được công nhận là một nguồn lợi thế cạnh tranh và các nền kinh tế thành viên APEC đang nỗ lực hướng tới việc cải thiện tình trạng thủ tục quan liêu và cắt giảm những chính sách cản trở cho sự dịch chuyển hàng hóa xuyên biên giới.
Tuy nhiên, tiến sỹ Bollard lưu ý biên giới trở nên mở cửa hơn có thể dẫn đến sự gia tăng các hoạt động vi phạm pháp luật nên APEC cũng đang chú trọng đến việc áp dụng công nghệ mới và các thỏa thuận quốc tế để giúp ngăn chặn điều này để đảm bảo hướng tới một Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).
Ông nhấn mạnh rằng biên giới quốc tế sẽ luôn tồn tại, nhưng các nền kinh tế thành viên và APEC có thể đảm bảo chúng được cấu trúc để thúc đẩy thương mại và thịnh vượng trong khu vực./.