APEC 2024: Vượt qua thách thức, hướng tới tương lai thịnh vượng chung

Thách thức của APEC năm 2024 giữa áp lực phân mảnh kinh tế toàn cầu là giữ vững các nguyên tắc nền tảng của APEC, đẩy lùi các xu hướng có thể làm yếu đi tiềm năng phát triển-thịnh vượng của khu vực.

Phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng APEC ở San Francisco (Mỹ) hồi tháng 11 năm ngoái. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng APEC ở San Francisco (Mỹ) hồi tháng 11 năm ngoái. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tháng 11/2024, các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sẽ hội tụ tại Lima (Peru) để thảo luận về những thách thức và cơ hội định hình tương lai khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

APEC được thành lập vào năm 1989, bao gồm 21 nền kinh tế trên vành đai châu Á-Thái Bình Dương. Trong đó, có các nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…), chín thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cùng với nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động.

APEC chiếm hơn 38% dân số thế giới, 62% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu (GDP) và 48% thương mại quốc tế. APEC hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc.

Hội nghị Cấp cao APEC diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi thế giới chứng kiến xu hướng phân mảnh và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, cùng những dấu hiệu rõ rệt của khủng hoảng khí hậu.

Đây là lần thứ ba Peru đăng cai APEC. Trong năm 2024, nước chủ nhà Peru đã tổ chức hơn 200 cuộc họp kỹ thuật và cấp cao với chủ đề “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng.”

Thông điệp này nhằm tăng cường năng lực cho các chủ thể kinh tế dễ bị tổn thương bằng cách cung cấp cho họ các công cụ hòa nhập kinh tế-xã hội.

Thách thức của APEC năm 2024 giữa bối cảnh các nguyên tắc đa phương suy yếu và áp lực phân mảnh kinh tế toàn cầu là giữ vững các nguyên tắc nền tảng của APEC, đẩy lùi các xu hướng có thể làm yếu đi tiềm năng phát triển và thịnh vượng của khu vực.

Dựa trên các nguyên tắc đa phương và chủ nghĩa khu vực mở, Peru năm nay đã nỗ lực duy trì trọng tâm vào các chiến lược và lộ trình hướng tới hội nhập toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong các hoạt động thương mại và đầu tư cho tăng trưởng liên kết, ứng dụng đổi mới và số hóa cho tăng trưởng bao trùm, đảm bảo tăng trưởng bền vững cho phát triển bền vững.

Một thành tựu quan trọng của APEC Peru 2024 là khôi phục sự đồng thuận trong diễn đàn, điều đã bị gián đoạn trong hai năm do bối cảnh quốc tế phức tạp.

Hoạt động hằng năm của APEC gồm: Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế; Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế; các hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành về thương mại, tài chính, doanh nghiệp nhỏ và vừa và các lĩnh vực khác như cải cách cơ cấu, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, an ninh lương thực, phụ nữ và kinh tế, y tế, năng lượng, giao thông vận tải, thông tin và truyền thông...; 5 hội nghị các quan chức cao cấp, cùng nhiều hội nghị, hội thảo của các ủy ban, nhóm công tác và các cơ chế cấp làm việc khác thuộc các kênh chính phủ, học giả và doanh nghiệp.

Hợp tác kinh tế của APEC tập trung vào ba trụ cột chính: Tự do hóa thương mại và đầu tư; Thuận lợi hóa kinh doanh; Hợp tác kinh tế-kỹ thuật, nâng cao năng lực, phát triển bình đẳng và bền vững.

Đây chính là cơ sở để các nhà Lãnh đạo APEC thông qua Tầm nhìn APEC đến năm 2040 về xây dựng khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.

Trong 35 năm qua, APEC đã thúc đẩy hiệu quả hội nhập thương mại và đầu tư tại khu vực kinh tế năng động nhất thế giới.

APEC cũng là nơi thử nghiệm các thông lệ và sáng kiến tốt nhất, khuyến khích thương mại và đầu tư tự do, góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững của các thành viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục