APEC 2021 đề ra lộ trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động chính của APEC, tổ chức theo hình thức trực tuyến tối 12/11 (giờ Việt Nam) dưới sự chủ trì của nước chủ nhà New Zealand.
APEC 2021 đề ra lộ trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 ảnh 1Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 28 tổ chức theo hình thức trực tuyến tối 12/11 (giờ Việt Nam) dưới sự chủ trì của nước chủ nhà New Zealand đã đề ra lộ trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 để đảm bảo châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực kinh tế liên kết và năng động nhất thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại dương, hội nghị năm nay có chủ đề “Hợp tác APEC nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế hậu COVID-19; các cơ hội và thách thức chủ yếu trong thế giới hậu COVID và làm thế nào để bảo đảm các thành quả được chia sẻ đồng đều tới toàn bộ người dân trong hiện tại và tương lai.”

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận các biện pháp nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19, đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế, khơi dậy động lực mới hướng tới tăng trưởng sáng tạo, bền vững và bao trùm.

Các nhà lãnh đạo cũng bày tỏ quyết tâm hơn bao giờ hết để cùng nhau vượt qua đại dịch, đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế khu vực, ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng bao trùm cho tất cả người dân.

Trong tuyên bố chung được thông qua tại hội nghị, các nhà lãnh đạo APEC khẳng định quyết tâm sử dụng tất cả các công cụ kinh tế vĩ mô hiện có để giải quyết các hậu quả bất lợi của đại dịch COVID-19, duy trì sự phục hồi kinh tế, đồng thời duy trì tính bền vững tài khóa dài hạn.

Các nhà lãnh đạo cam kết thúc đẩy sản xuất và cung cấp vaccine phòng COVID-19 thông qua chuyển giao công nghệ và xóa bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với hàng hóa y tế. Các nhà lãnh đạo thỏa thuận các quốc gia sẽ tăng cường hợp tác trong việc xét nghiệm COVID-19 và hộ chiếu vaccine khi mở cửa trở lại biên giới quốc gia và việc đi lại của người dân giữa các nước tăng lên.

[Sáng kiến, đề xuất của Việt Nam được phản ánh trong văn kiện của APEC] 

Về ứng phó với biến đổi khí hậu, tuyên bố cho biết các nhà lãnh đạo đều thấy rõ sự cần thiết của hành động khẩn cấp và cụ thể để chuyển đổi sang một nền kinh tế toàn cầu trong tương lai có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và đánh giá cao các cam kết không phát thải ròng. Các nhà lãnh đạo cam kết sẽ ngừng tăng trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, tạo cơ sở cho việc thảo luận về biến đổi khí hậu trong các cuộc họp APEC trong tương lai.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC cũng đã thông qua Kế hoạch Hành động để triển khai tầm nhìn APEC cho đến năm 2040. New Zealand bàn giao vai trò Chủ tịch năm APEC 2022 cho Thái Lan.

Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 là sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC vừa diễn ra từ ngày 8-12/11 dưới sự chủ trì của nước Chủ tịch New Zealand.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực các hoạt động chính của APEC bao gồm Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28, phiên Đối thoại giữa lãnh đạo các nền kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC.

Đồng thời các Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Kinh tế của Việt Nam cũng tham dự các phiên họp Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế của APEC.

Thông điệp xuyên suốt của Việt Nam lần này là khẳng định APEC tiếp tục là diễn đàn khu vực có tiếng nói, có vai trò thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy hợp tác đa phương để vượt qua dịch COVID-19 và phục hồi nhanh chóng, phát triển bền vững nền kinh tế, tiếp tục là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế khu vực và toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục