Tối 20/11, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (AELM) đã kết thúc tốt đẹp với lễ khởi động Tầm nhìn APEC sau năm 2020 mang tên Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040 và lễ chuyển giao tượng trưng vai trò chủ nhà Năm APEC 2021 cho New Zealand.
Đây là hoạt động quan trọng nhất trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2020 và đã đi vào lịch sử với việc lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, tham dự hội nghị năm nay có hầu hết các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á-Thái Bình Dương như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình...
Đây là lần đầu tiên kể từ sau Năm APEC 2017 do Việt Nam làm chủ nhà, Tổng thống Mỹ trở lại tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và cũng là lần đầu tiên ông Trump tham dự hội nghị quốc tế từ sau tổng tuyển cử.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà APEC 2020, ông Muhyiddin Yassin chỉ rõ, APEC đang ở một thời điểm quan trọng. Năm 1994, các nền kinh tế thành viên APEC đã nhất trí với các Mục tiêu Bogor về thương mại và đầu tư tự do, cởi mở ở châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020.
Tới nay, tổng thương mại giữa các nền kinh tế APEC và phần còn lại của thế giới đã tăng hơn 4 lần. Kể từ năm 2000, dòng vốn vào các nền kinh tế APEC đã tăng 75% và dòng vốn ra bên ngoài tăng gấp 3 lần.
[Thông qua Tuyên bố Putrajaya về tầm nhìn APEC đến năm 2040]
Để tiến về phía trước, ông Muhyiddin đề xuất ba ưu tiên chính mà tất cả các nền kinh tế thành viên APEC có thể thực hiện.
Thứ nhất, tái khẳng định sự ủng hộ và cam kết đối với hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc để đảm bảo dòng chảy thương mại và đầu tư tiếp tục ngay cả trong khủng hoảng.
Thứ hai, thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số trước nhu cầu cấp bách là tạo ra việc làm và đưa công nhân trở lại thị trường việc làm.
Thứ ba, tăng trưởng kinh tế bao trùm để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Theo Tuyên bố Kuala Lumpur 2020 đưa ra sau hội nghị, Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040 vạch ra tương lai khu vực là một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương cởi mở, năng động, kiên cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai.
Ngoài ra, tuyên bố còn đề cập tới việc chống lại cũng như giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19, tham gia kinh tế bao trùm thông qua kỹ thuật số và công nghệ; cải thiện thương mại và đầu tư.../.