Nền kinh tế toàn cầu đang thiếu sự lãnh đạo để ngăn chặn xu hướng phản đối thương mại tự do, trong bối cảnh các nước chủ trương thực thi các chính sách hướng nội do kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009.
Theo nhận định của giới phân tích đưa ra trước thềm Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Lima (Peru) từ 17-20/11, sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (EU) đã tạo ra thách thức đối với các nước phát triển trong hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu.
Ngoài ra, việc ngày càng có nhiều chính trị gia Australia - thuộc cả đảng cầm quyền và đối lập - ủng hộ chế độ bảo vệ nền công nghiệp trong nước, cũng như quan điểm phản đối toàn cầu hóa của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cũng được dự đoán sẽ đặt ra những thách thức đáng kể.
Phát biểu với báo giới hồi đầu tháng này, Giáo sư Fariborz Moshirian - Giám đốc Viện Tài chính toàn cầu thuộc Đại học New South Wales (Australia), nhận định tất cả những vấn đề kể trên đã tác động gián tiếp tới cách nhìn nhận của các nhà lãnh đạo APEC về tình hình thế giới.
Tại một số diễn đàn khác trong khu vực như Hiệp định Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang tồn tại những nghi vấn về khả năng của APEC trở thành một diễn đàn hội nhập tài chính và kinh tế.
Tuy nhiên, ông Moshirian cũng cho rằng chủ nghĩa bảo hộ không chỉ đơn thuần là về các chính sách thương mại, mà còn bao gồm các vấn đề ảnh hưởng tới thương mại.
Nhiều báo cáo về tính khả thi cũng như phân tích phí tổn và lợi ích của Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), được nhất trí thành lập tại hội nghị APEC 2014 ở Bắc Kinh, sẽ được công bố trong hội nghị APEC ở Peru.
Theo giới phân tích, FTAAP cần được thực thi trước năm 2025 nếu các nước có thể đạt được các thỏa thuận, tức là dưới 20 năm kể từ khi Mỹ đề xuất ý tưởng thành lậo khu vực thương mại tự do giữa các nước thành viên APEC./.