Áp Thuế Tiêu thụ đặc biệt lên thuốc lá mới: Còn nhiều ý kiến đa chiều

Một số ý kiến e ngại rằng bàn về Thuế Tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá mới hiện là quá sớm, trong khi cơ quan chức năng hiện vẫn chưa có kết luận chính thức về hướng quản lý mặt hàng này.
Áp Thuế Tiêu thụ đặc biệt lên thuốc lá mới: Còn nhiều ý kiến đa chiều ảnh 1Hội thảo “Góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)” diễn ra ngày 5/7. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Cách thức đánh Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá mới và thiết bị đi kèm đang là một trong những chủ đề nóng, thu hút nhiều chuyên gia quan tâm.

Trong nhiều ý kiến tranh luận cũng có luồng ý kiến e ngại rằng bàn về Thuế Tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá mới hiện là quá sớm, trong khi cơ quan chức năng hiện vẫn chưa có kết luận chính thức về hướng quản lý mặt hàng này.

Sẵn sàng luật thuế để kiểm soát thuốc lá mới một cách chủ động

Có ý kiến cho rằng vì thuốc lá mới chưa được pháp luật cho phép sản xuất, kinh doanh trên thị trường, nếu đưa vào đề xuất là đối tượng điều chỉnh của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi sắp tới của Bộ Tài chính thì liệu có phải là một sự thừa nhận sản phẩm sẽ được hợp pháp hóa?

Lý giải cho vấn đề này, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp, phân tích rằng để ban hành một luật thuế cần có đủ thời gian qua các quy trình. Vì vậy, nếu không chuẩn bị thì khi có văn bản quy định quản lý sản phẩm này thì sẽ phải sửa lại luật thuế lần nữa.

Đồng quan điểm với ông Hải, tại hội thảo về kiểm soát thuốc lá mới được tổ chức đầu tháng Bảy vừa qua bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, đánh giá theo Luật hiện hành, các sản phẩm thuốc lá mới hiện nay đã được xem là sản phẩm thuốc lá. Nếu đã là sản phẩm thuốc lá thì việc áp Thuế Tiêu thụ đặc biệt là cần thiết.

“Chúng tôi đồng ý đưa các sản phẩm thuốc lá mới này vào một diện quản lý như thuốc lá, để nộp thuế như thuốc lá và tất cả các chính sách liên quan cần phải đồng bộ,” bà Cúc nhấn mạnh.

Áp thuế cao liệu có đồng nghĩa với giảm nhu cầu tiêu dùng?

Đề xuất trên của Bộ Tài chính đã đón nhận sự quan tâm và góp ý từ trong nước lẫn quốc tế với nhiều quan điểm khác nhau.

Tiến sỹ Carmelo Ferlito, CEO của Trung tâm Nghiên cứu Thị trường (CME) từng nhấn mạnh, để kiểm soát hiệu quả thuốc lá mới cần hành lang pháp lý mang tính thúc đẩy chính sách, mà trong đó thuế là một trong những công cụ có tính quyết định.

Theo ông, chính sách thuế áp dụng cho thuốc lá mới cần được kết hợp cùng chiến lược giảm tác hại, tức cần áp thuế cho từng sản phẩm dựa trên những nguy cơ mà sản phẩm gây ra cho môi trường hoặc sức khỏe.

Do đó, các sản phẩm như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng có hàm lượng các chất gây hại thấp hơn so với thuốc lá điếu thì nên được hưởng chế độ thuế suất ưu đãi hơn.

Trong nước, cũng có chuyên gia khuyến nghị áp dụng chính sách thuế với thuốc lá mới tương tự với mặt hàng thuốc lá thông thường để đảm bảo tăng giá bán và giảm sử dụng, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đặc biệt là trẻ em.

Tuy nhiên, trong hội thảo “Góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)” diễn ra ngày 5/7 do VCCI tổ chức, nhiều doanh nghiệp đang lo ngại, nếu tiếp tục tăng thuế thì giá bán các mặt hàng thuốc lá chính hãng sẽ cao hơn, đẩy người tiêu dùng chuyển sở thích và nhu cầu sang các mặt hàng lậu, phi chính thức...

Theo thống kê từ Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), thuốc lá nhập lậu đang chiếm khoảng hơn 20% thị phần trong nước, gây thất thu ngân sách nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng mỗi năm.

[Thiếu kiểm soát thuốc lá mới liệu có gián tiếp tạo ra tiêu cực?]

Buôn lậu thuốc lá đang trở thành ngành nghề siêu lợi nhuận do "né" được 135% thuế nhập khẩu, 75% Thuế Tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế giá trị gia tăng, 1,5% quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá.

Áp Thuế Tiêu thụ đặc biệt lên thuốc lá mới: Còn nhiều ý kiến đa chiều ảnh 2Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Cúc, thuế chỉ là một trong rất nhiều công cụ để kiểm soát thuốc lá mới.

Bà Cúc đưa ra dẫn chứng, khi áp thuế cao bia rượu thì người dân vẫn uống. Thế nhưng khi áp dụng luật xử phạt đối với đối tượng có nồng độ cồn cao khi tham gia giao thông thì tự động mức tiêu thụ bia, rượu giảm xuống.

Cho rằng việc tăng tăng thuế là lợi bất cập hại, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh lý giải: "Với điều kiện địa lý như chúng ta, nếu tăng thuế thì chưa chắc Nhà nước đã thu được nhiều thuế hơn, chưa chắc người tiêu dùng sẽ khó tiếp cận thuốc lá hơn. Bởi lẽ, thay vì tiếp cận với sản phẩm thuốc lá chính thống từ những nhà sản xuất có nộp thuế và đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thì họ sẽ sa đà vào hàng lậu với mức giá rất rẻ. Việc này xảy ra đối cả với thuốc lá truyền thống và thuốc lá mới."

Theo đó, bà Lan đề nghị cần có chính sách đồng bộ hơn là chỉ tập trung vào chính sách về thuế trong việc kiểm soát thuốc lá./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục