Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 2302/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.
Theo Quyết định, Bộ Công Thương tiếp tục duy trì thuế chống bán phá giá đã áp dụng trước đó theo Quyết định số 2080/QĐ-BCT ngày 31/8/2021 áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester từ các quốc gia nói trên.
Cục Phòng vệ thương mại cho biết Bộ Công Thương bắt đầu tiến hành vụ việc điều tra từ tháng 4/2020 trên cơ sở đề nghị của ngành sản xuất trong nước nộp vào tháng 11/2019.
Quá trình điều tra vụ việc được thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan cũng như Hiệp định Chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại thế giới.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, để tạo điều kiện cho các bên liên quan chuẩn bị đầy đủ thông tin, số liệu cũng như để làm rõ tác động của hành vi bán phá giá tới hoạt động của ngành sản xuất trong nước, kể cả các ngành sản xuất hạ nguồn, Bộ Công Thương đã gia hạn thời hạn điều tra vụ việc đến ngày 6/10 vừa qua.
[Áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sợi filament nhập khẩu]
Theo Cục Phòng vệ thương mại, kết quả điều tra chính thức cho thấy lượng hàng hóa bị điều tra nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia gia tăng đột biến.
Hơn nữa, trong bối cảnh COVID-19, nhập khẩu sản phẩm sợi filament trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt gần 258.000 tấn, tăng tới 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá là nguyên nhân chính gây thiệt hại lớn cho ngành sản xuất trong nước.
Như vậy, Bộ Công Thương nhận định việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức sẽ góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước, tăng cường tính tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo điều kiện cho nhiều ngành kinh tế; trong đó có dệt may mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế quan, ngành sản xuất trong nước phải đáp ứng quy tắc xuất xứ chặt chẽ theo từng FTA. Do vậy, việc tăng cường chủ động sản xuất nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu về xuất xứ sẽ giúp ngành dệt may tận dụng được lợi ích từ các FTA.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi tác động của biện pháp phòng vệ thương mại, tình hình sản xuất, cung cầu, giá cả, để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các ngành sản xuất theo đúng quy định./.