Bán hàng online đã trở thành một loại hình kinh doanh phát triển mạnh, thậm chí với một số mặt hàng, doanh thu còn ngang bằng hoặc cao hơn so với kinh doanh tại cửa hàng.
Tốc độ phát triển mạnh mẽ đó đã khiến cho hình thức kinh doanh này được các cơ quan chức năng chú ý, đặc biệt là cơ quan thuế.
Người bán hàng online có cần phải nộp thuế không?
Về bản chất, cũng giống như mọi hình thức bán hàng truyền thống khác, bán hàng online dựa trên nguyên tắc tiền-hàng-tiền để tạo ra giá trị thặng dư, dù đó là bán hàng trên Facebook, Google hay trên các trang bán hàng trực tuyến khác nhau. Do đó, việc các cá nhân hay công ty kinh doanh qua hình thức này đều phải nộp thuế là phù hợp với các quy định hiện hành.
Từ năm 2017, ngành Thuế đã bắt đầu tiến hành rà soát hoạt động kinh doanh trên Facebook, điểm tên những cá nhân thu lãi lớn từ hoạt động bán hàng online.
Tuy nhiên, thời điểm đó, nhiều chủ shop online trên Facebook đã lựa chọn hình thức đối phó như bỏ qua, lập nick mới hoặc tạm dừng hoạt động kinh doanh… Mặt khác, đặc thù về cách thức đăng ký thông tin trên mạng xã hội Facebook khiến việc quản lý các chủ shop gặp rất nhiều khó khăn.
[Thuế thương mại điện tử: Công bằng với các loại hình kinh doanh]
Cho đến những năm gần đây, các sàn thương mại điện tử xuất hiện với những yêu cầu khắt khe về đăng ký thông tin gian hàng đã tạo điều kiện giúp ngành Thuế rà sát hoạt động được dễ dàng hơn.
Theo Tổng cục Thuế, tính đến đầu tháng 2, có 258 sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin chi tiết về 14.883 tổ chức và 53.212 cá nhân đăng ký bán hàng trên sàn. Tổng cục Thuế cũng đã nắm thông tin của hơn 53.000 cá nhân và 14.800 tổ chức bán hàng online trên Shopee, Lazada, Sendo... và sẽ rà soát, đưa vào diện quản lý hoặc truy thu thuế.
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế Giá trị gia tăng và không phải nộp thuế Thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật về thuế Giá trị gia tăng và thuế Thu nhập cá nhân.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế Giá trị gia tăng, không phải nộp thuế Thu nhập cá nhân được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.
Nghị định 125 của Chính phủ ban hành năm 2020 đã tăng nặng mức xử phạt với các vi phạm về thuế. Theo đó các vi phạm hành chính với số thuế từ 100 triệu đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa từ 500 triệu đồng trở lên được xác định là vi phạm hành chính về thuế có quy mô lớn.
Như vậy, người bán hàng online là người có nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân trên toàn bộ doanh thu với mức 1,5% (gồm thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng) khi có tổng doanh thu trên 100 triệu đồng trở lên trong cả năm).
Ví dụ, cá nhân bán hàng online có tổng doanh thu 300 triệu đồng/năm sẽ phải khai và đóng thuế tổng cộng 4,5 triệu đồng (không được trừ chi phí hay giảm trừ gia cảnh).
Cần một con số hợp lý
Chị Hà Hoàng (Hà Nội) cho biết chị chuyên bán hàng xách tay qua mạng trên một số sàn thương mại điện tử và các mạng xã hội. Mặt hàng chị bán là đồ có thương hiệu, giá thành cao.
Mỗi tháng, doanh thu bán hàng của chị khoảng 30 triệu, như vậy với doanh thu hàng năm gần 400 triệu, mức thuế chị phải đóng là khoảng trên 5 triệu không giảm trừ gia cảnh.
Tuy nhiên, chị Hoàng cho biết dù doanh thu cao, trên thực tế, lợi nhuận chị thu được lại không quá cao bởi vì có rất nhiều người kinh doanh mặt hàng này, chị không thể bán quá cao so với mặt bằng chung. Chưa kể chi phí vận chuyển của loại hàng này lại rất cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong khi đó, một người bán hàng ăn uống trực tuyến chỉ thu về dưới 100.000 đồng cho một đơn hàng, doanh thu hằng tháng có thể tương đương với chị Hà, thậm chí thấp hơn, nhưng lợi nhuận của loại hình kinh doanh này cao hơn rất nhiều, mà mức thuế đóng cũng chỉ tương đương.
Mặt khác, đa số những người kinh doanh được hỏi cho rằng mức doanh thu 100 triệu đồng một năm thì phải nộp thuế cho đến nay đã không còn hợp lý.
Đây là ngưỡng doanh thu được áp dụng từ 8 năm trước theo Thông tư 92/2015/TT-BTC, và cho đến nay, tình hình lạm phát đã khiến mặt bằng giá cao tăng rất cao.
Nếu lấy giá vàng làm căn cứ, thì cho đến nay, mức giá đã tăng gấp đôi. Vì vậy, nhiều người kiến nghị tăng ngưỡng doanh thu tối thiểu lên cao hơn mức 100 triệu ban đầu.
Người bán hàng online có thực sự thiệt thòi?
Nhưng không thể phủ nhận, việc bán hàng trực tuyến đem lại rất nhiều lợi thế so với bán hàng trực tiếp, trong đó có những ưu điểm rõ ràng mà nhiều người bán hàng thường bỏ qua mà chỉ nói về những khó khăn.
Thời gian đầu, bán hàng online thường chỉ ở dạng nhỏ lẻ, số lượng ít. Doanh thu từ bán hàng online được cho là không thể so sánh với bán hàng trực tiếp, có mặt bằng và thường xuyên đón được một lượng khách vãng lai nhất định.
Tuy nhiên, giá mặt bằng cho thuê tăng, sự phát triển đột phá của công nghệ với hàng loạt các sàn thương mại điện tử, và đặc biệt là sự thay đổi hoàn toàn thói quen mua hàng kể từ sau đại dịch COVID-19 đã khiến hình thức kinh doanh này lên ngôi, với doanh thu cao không kém gì những cửa hàng trực tiếp.
Nhưng những người bán hàng lại được hưởng rất nhiều lợi ích, không tốn tiền tiền thuê mặt bằng, khoản chi phí cao hơn rất nhiều so với phí đăng ký và duy trì gian hàng, không cần đăng ký kinh doanh, ít bị các cơ quan chức năng chú ý, và quan trọng nhất là chưa bị tính thuế do hình thức kinh doanh còn mới, chưa thể áp dụng các quy định về pháp luật.
Bên cạnh đó, để tăng lượt tương tác cho gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, nhiều shop còn áp dụng hình thức chạy đơn ảo, nhờ người nhà, bạn bè, hoặc thuê các công ty khác nhau đặt nhiều đơn ở mức giá thấp, tạo profile đẹp cho gian hàng trên shopee, tăng độ tin tưởng cho khách hàng.
Với những đơn ảo này, ngoài lượt mua hiển thị trên gian hàng, thực chất shop không hề bán được hàng và thu được tiền hàng cũng như lợi nhuận. Hình thức này phổ biến đến mức chỉ cần gõ lên công cụ tìm kiếm là có hàng trăm bài viết hướng dẫn các khách chạy đơn ảo.
Đây có thể coi là một cách marketing hiệu quả cho đến trước khi ngành Thuế bắt đầu thu thuế của các gian hàng online trên các sàn thương mại điện tử dựa trên doanh số bán hàng. Điều này được cho là sẽ giảm lượng đơn ảo, giúp người mua đánh giá được thực chất của hàng hóa, vốn là điều mà người tiêu dùng cần nhất khi sử dụng hình thức mua bán gián tiếp không xem được hàng này.
Bởi vậy, không chỉ những chủ shop bán hàng trực tiếp đồng tình với việc thu thuế bán hàng trực tuyến nhằm “tạo công bằng” giữa hai hình thức bán hàng, nhiều người cũng cho rằng việc thu thuế bán hàng trực tuyến thực chất là điều sớm muộn sẽ phải thực hiện, để tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng, lành mạnh./.