Áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão và tiến vào Biển Đông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, áp thấp nhiệt đới sau khi mạnh lên thành bão sẽ vượt qua khu vực đảo Palawoan của Philippines và đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh thêm.
Áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão và tiến vào Biển Đông ảnh 1Hình ảnh đường đi và vị trí cơn bão. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ở phía Đông khu vực miền Trung của Philippines đang tồn tại một áp thấp nhiệt đới, vị trí lúc 10 giờ sáng 20/11 ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 128,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển miền Trung Philippines khoảng 400km về phía Đông Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7. Hiện tại áp thấp nhiệt đới đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và trong đêm 20/11, áp thấp nhiệt đới này sẽ đổ bộ vào khu vực miền Trung của Philippines và mạnh lên thành bão.

Đến sáng 21/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 122,5 độ Kinh Đông, ngay khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Sau khi mạnh lên thành bão, cơn bão này sẽ di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km và khoảng chiều tối và đêm 21/11 bão sẽ vượt qua khu vực đảo Palawoan của Philippines và đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh thêm.

Nếu vượt qua khu vực Palawoan của Philippines đi vào Biển Đông thì đây sẽ là cơn bão số 9 ảnh hưởng đến nước ta trong năm 2018.

Khi đi vào Biển Đông, trên điều kiện nền nhiệt nước biển ở khu vực Biển Đông đang cao (trên 27 độ C), cùng lúc ở phía Bắc nên chiều và đêm ngày 21/11 sẽ có một bộ phận không khí lạnh di chuyển từ phía Bắc xuống, tương tác của không khí lạnh và bão sẽ ảnh hưởng tới sự dịch chuyển cũng như cường độ của bão số 9.

Sự tương tác này khiến cho diễn biến đường đi và cường độ của bão số 9 sẽ rất phức tạp, không khí lạnh có thể khiến bão sẽ suy yếu và gây mưa ít.

Nhưng không khí lạnh cũng có thể làm cho cường độ bão mạnh lên, hướng di chuyển của bão cũng có thay đổi.

Nếu không khí lạnh mạnh có thể sẽ làm cho bão di chuyển lệch hơn về phía Nam, do đó, việc dự báo khu vực đổ bộ của bão số 9 là rất khó.

[Theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới để chủ động ứng phó]

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, khả năng bão và không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đồng thời, vì thế khi đi qua khu vực quần đảo Trường Sa bão có khả năng sẽ mạnh lên tới cấp 9-11 và khu vực khả năng ảnh hưởng của bão số 9 sẽ là các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào đến Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đến 7 giờ ngày 23/11, bão số 9 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Vị trí tâm bão ở khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 250km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.

Theo dự báo, nhiều khả năng các tỉnh Nam Trung Bộ và khu vực Nam Bộ sẽ chịu ảnh hưởng của cơn bão này. Trong đó, khu vực từ Quảng Ngãi trở vào đến Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ là những tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 9, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bà Rịa-Vũng Tàu từ ngày 23/11 sẽ có gió mạnh cấp 6-7, vùng ven biển các tỉnh nơi tâm bão đi vào sẽ có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12.

Bão số 9 và không khí lạnh sẽ tương tác với nhau gây mưa to đến rất to suốt dọc các tỉnh từ Quảng Trị trở vào đến Bình Thuận, khu vực các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, phần phía Bắc của các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Đợt mưa lớn này sẽ kéo dài bắt đầu từ ngày 22/11 khi không khí lạnh ảnh hưởng đến Trung Bộ, sau đó bão sẽ bắt đầu gây mưa to đến rất to ở miền Trung từ ngày 23/11.

Mưa lớn được dự báo nhiều khả năng sẽ kéo dài liên tục từ ngày 23-28/11, trong đó trọng tâm mưa lớn sẽ là các tỉnh từ Quảng Trị trở vào đến Bình Thuận với tổng lượng mưa có thể lên tới 300-500mm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục