Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, đêm mùng 9 và rạng sáng 10/10, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa lớn gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của người dân.
Tính đến 10 giờ ngày 10/10, mưa lớn kèm gió to đã làm 1 người chết và 2 người mất tích. Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Quế, sinh năm 1961, ở xóm Mới, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc bị tử vong do bị giật điện. Trước đó gió to khiến hệ thống dây điện ở gần nhà ông Quế bị đứt, quấn vào người khiến ông Quế bị điện giật.
Ông Nguyễn Trung Hải, sinh năm 1966, ở xóm 5, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương đi đánh cá tại Hồ Cá Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc đã bị nước cuốn trôi, hiện mất tích; chị Lê Thị Ngoan, sinh năm 1995, ở thị xã Hoàng Mai cũng bị nước lũ cuốn trôi, hiện mất tích.
Ngoài ra, mưa lớn kèm gió giật mạnh đã khiến 1 nhà dân tại huyện Nghi Lộc bị sập; 1.955ha ngô và rau màu các loại bị ngập; 1.000 gia cầm bị chết; diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập là 874ha.
Mưa lớn cũng làm nước sông lên cao gây sạt lở bờ sông Lam, sạt kè bảo vệ đê Tả Lam ở địa bàn các xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên và xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương. Bờ sông Lam bị sạt lở đất đến sát nhà dân, ở thôn Lam Bồng, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông và có vết nứt dọc mép hành lang đường 7 với chiều dài khoảng 25m. Mưa lớn cũng khiến bốn hồ đập nhỏ bị sạt lở, hư hỏng tại huyện Yên Thành, gồm đập Cửa Thờ, đập Khe Âm Giữa, đập Hóc Lở và đập Tuần.
Để khắc phục thiệt hại do mưa lớn gây ra, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An chỉ đạo các đơn vị quản lý, phối hợp với các lực lượng chức năng khác và chính quyền địa phương xử lý đảm bảo giao thông bước I tại các vị trí sạt lở; tổ chức phân luồng đảm bảo trật tự, an toàn tại các vị trí trên; đồng thời, tiếp tục theo dõi trên các tuyến để có phương án xử lý khi có sự cố xảy ra.
Tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện và các đơn vị liên quan túc trực, sẵn sàng phương tiện, lực lượng để xử lý các tình huống khi có yêu cầu.
Còn tại Hà Tĩnh, huyện miền núi Hương Khê từ chiều 9/10, Nhà máy Thủy điện Hố Hô bắt đầu xả lũ, lúc cao điểm lên đến gần 1.271 m3/s. Hiện, một số xã ở Hương Khê như Phương Điền, Phương Mỹ, Lộc Yên, Hương Giang, Hương Thủy... đã bị chia cắt cục bộ.
Mưa lớn liên tục cũng khiến mực nước trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, các hồ chứa, cánh đồng trên địa bàn hai huyện miền núi Hương Sơn và Vũ Quang dâng nhanh. Tại các xã: Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Giang, Đức Liên (huyện Vũ Quang) nhiều khu dân cư, các tuyến đường giao thông đã bị cô lập do nước ngập. Ngập lụt cũng xảy ra ở các xã: Sơn Ninh, Sơn Thịnh, Sơn Hòa, Sơn An, Sơn Tiến, Sơn Lễ, Sơn Bằng (huyện Hương Sơn). Dự kiến vào lúc 12 giờ ngày 10/10, Nhà máy Thủy điện Hương Sơn sẽ mở các van đập hồ tràn với lưu lượng xả từ 30-40 m3/s.
Tại các địa phương khác như huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, huyện Nghi Xuân, huyện Can Lộc… đều xảy ra tình trạng úng ngập ở một số địa bàn. Đặc biệt, tại huyện Can Lộc, đập Cố Châu (thuộc địa bàn xã Gia Hanh, Can Lộc) với dung tích gần 3.000m3 đã bị vỡ gây ngập úng nặng cho nhiều thôn trên địa bàn.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ tối 9/10 đến sáng 10/10, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa to đến rất to.
Đặc biệt, tại thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), tổng lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 9/10 đến 7 giờ ngày 10/10 là trên 200mm, tại các địa phương khác như Tĩnh Gia, Triệu Sơn, Giàng... đều trên 150mm. Mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường biến thành sông.
Tại các tuyến phố lớn như Trần Phú, Ngã tư Bưu điện tỉnh, Triệu Quốc Đạt, Tô Vĩnh Diện, Trường Thi, Nguyễn Du, Hải Thượng Lãn Ông... hàng loạt phương tiện cơ giới chết máy dọc đường, khiến giao thông rơi vào tình trạng hỗn loạn, nhất là vào đầu giờ đi làm buổi sáng.
Tại một số tuyến đường khác, nước tràn vào cả nhà dân, có nơi cao quá nửa mét khiến các phương tiện không thể di chuyển. Tại các ngã tư lớn như ngã tư Bưu điện, ngã tư Nguyễn Trãi - Dương Đình Nghệ, ngã tư Phạm Chu Trinh-ga Thanh Hóa xảy ra tình trạng hàng đoàn xe dài xếp hàng đợi thông tuyến.
Lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố Thanh Hóa đã phải huy động các xe cứu hộ để chuyên chở các xe ô tô con bị chết máy dọc đường, nhằm tránh tình trạng ùn tắc .
Đến thời điểm 10 giờ ngày 10/10, tại thành phố Thanh Hóa vẫn đang tiếp tục có mưa lớn.
Do ảnh hưởng của nhiễu động gió đông trên cao và hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới nên ở Thừa Thiên-Huế đã có mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa đo được đến 7 giờ ngày 10/10 phổ biến từ 60-200 mm; vùng ven biển gió mạnh cấp 6,7; sóng biển cao từ 2-4m; khu vực đầm phá ven biển triều cường trên 0,85m.
Đến thời điểm 7 giờ ngày 10/10, mực nước các hồ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế chứa xấp xỉ cao trình ngưỡng tràn. Hồ Tả Trạch lưu lượng nước đến hồ có lúc đạt 374,39 m3/s; hồ thủy điện Bình Điền lưu lượng nước đến hồ lớn nhất là 153 m3/s; hồ thủy điện Hương Điền là 565 m3/s... Ban Quản lý các công trình hồ chứa nêu trên cho xả tràn về hạ du với lưu lượng lần lượt là 30m3/s; 50m3/s và 85m3/s.
Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Thanh Hùng: Trong khi vùng hạ du ven biển có triều cường dâng cao làm cho nước rút chậm thì việc xả lũ như trên là hết sức hợp lý. Trường hợp mưa to kéo dài, phải xả lũ lớn hơn thì phải xả so le, tránh xả đồng loạt giữa các hồ chứa để không gây ngập lụt cho vùng hạ du./.