Áp lực tuyển sinh vào lớp 10 THPT: Con quên ăn, cha mẹ mất ngủ

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường Trung học Phổ thông công lập vẫn luôn là chủ đề "nóng" mỗi năm, khiến không chỉ các sĩ tử mà những bậc phụ huynh cũng "mất ăn mất ngủ" với nhiều điều lo lắng.
Kỳ thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường Trung học Phổ thông công lập năm học 2022-2023 có hơn 106.000 thí sinh dự thi. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Dù chỉ còn gần một tuần nữa là đến kỳ thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường Trung học Phổ thông (THPT), song đến thời điểm hiện tại, nỗi lo lắng vẫn thường trực cả với các em học sinh và các bậc phụ huynh.

Bởi năm nay, ngoài sức ép "công lập" khi phải đối mặt với những lựa chọn nguyện vọng khó khăn do số lượng thí sinh tăng 12%, thì gần 3 năm bị gián đoạn học trực tiếp do COVID-19 cũng làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng học tập của các em.

Quay cuồng ôn tập, sức ép tứ bề

Đến trường từ 6 giờ sáng và tan học vào 12 giờ trưa, rồi tranh thủ nghỉ ngơi trước khi tham gia hai lớp học thêm lần lượt từ 14 giờ đến 17 giờ và từ 19 giờ đến 21 giờ, sau đó về nhà tiếp tục để tiếp tục tự học. Đó là lịch trình đều đặn của em Nguyễn Quang Nhật, học sinh lớp 9 trường THCS Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

“Năm nay, em đăng ký nguyện vọng một vào trường THPT Cầu Giấy. Theo tìm hiểu và hướng dẫn của thầy cô, em được biết tỷ lệ chọi của trường là 1/2,31. Em tự nhận thấy trình độ tiếng Anh của mình chưa tốt, vì vậy nếu không cố gắng, em khó có cơ hội đỗ nguyện vọng một. Có những hôm học muộn, em phải đặt “rải” báo thức vì sợ ngủ quên,” Minh cho biết.

[Hà Nội: Tăng khoảng 14.000 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm 2022-2023]

Sau khi đã tham gia đầy đủ các lớp học thêm trong ngày, em Nguyễn Đức Dương, học sinh trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại tiếp tục thức khuya để ôn tập và hoàn thành bài vở cho đến 2 giờ sáng. Dương cho biết với việc đăng ký hai nguyện vọng là trường THPT Việt Đức và trường THPT Trần Nhân Tông, em cần luyện thêm nhiều dạng đề nâng cao để đạt kết quả tốt.

“Dù đã hỏi thêm thông tin từ các anh chị khóa trước, nhưng em vẫn bất ngờ khi năm nay hai nguyện vọng em đăng ký lại có tỷ lệ “chọi” gần sát nhau: lần lượt là 1/2,05 với trường THPT Việt Đức và 1/1,93 với trường THPT Trần Nhân Tông. Vì vậy trong giai đoạn tăng tốc này, em tăng cường luyện thêm nhiều bài tập mở rộng để nâng cao cơ hội trúng tuyển,” Dương chia sẻ.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập không chuyên năm học 2022-2023 là 69.020 học sinh, trên tổng số hơn 106.000 học sinh đăng ký dự thi. Như vậy, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường THPT công lập là 64,7%. So với năm học 2021-2022 (tổng chỉ tiêu chỉ là 67.446/93.362 thí sinh dự thi), việc số lượng thí sinh tăng lên 12% đã “làm hẹp” cơ hội đỗ vào trường công lập của nhiều học sinh.

Số lượng học sinh đăng ký dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm nay tăng 12%, làm tăng sự cạnh tranh và gây áp lực lên các thí sinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đây cũng là trăn trở của nhiều bậc phụ huynh và học sinh, dẫn đến xu hướng “né” các trường có truyền thống điểm chuẩn cao. Nguyên nhân một phần đến từ việc học sinh không có cơ hội đổi nguyện vọng như những năm trước, một phần vì phụ huynh không tự tin về chất lượng học tập của các con, sau ba năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Với mong muốn được học tại trường gần nhà, mẹ con chị Nguyễn Thị Nhung (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải tìm hiểu và “nâng lên đặt xuống” hồ sơ nhiều lần.

“Trong trường hợp con không thi đỗ hai nguyện vọng có chỉ tiêu sát nhau là trường THPT Trương Định và THPT Việt Nam-Ba Lan, gia đình phải lựa chọn cho con học trường ngoài công lập. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng là chất lượng giảng dạy cũng như kinh phí học tập - vấn đề nan giải trong thời điểm giá cả leo thang. Cả gia đình tôi đều lo lắng chờ đến ngày thi, riêng tôi có những đêm mất ngủ, phải dùng đến thuốc an thần,” chị Nhung chia sẻ.

Dù kết quả của con trai (Hoàng Anh) luôn nằm trong nhóm đứng đầu của lớp, song anh Nguyễn Việt Hoàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn phải chịu những áp lực riêng, chủ yếu đến từ họ hàng và bạn bè.

“Bạn bè người thân của tôi thường xuyên cho rằng con học giỏi thì sẽ dễ dàng đỗ trường top, thậm chí là thừa điểm... Những ý kiến như vậy vô tình làm cho con phải chịu thêm áp lực, bởi “học tài thi phận,” khi kỳ thi chưa diễn ra thì khó có thể nói trước kết quả,” anh Hoàng tâm sự.

Đồng hành, giúp sĩ tử giải tỏa áp lực

Trước muôn vàn những áp lực căng thẳng đến từ nhiều nguyên nhân, các bậc phụ huynh cũng đồng cảm và chia sẻ tâm lý với con, thấu hiểu những khó khăn mà các sĩ tử phải trải qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đồng thời sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất để giúp các con thoải mái tinh thần.

Những ngày này, anh Việt Hoàng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cố gắng sắp xếp công việc, xin đổi ca trực với đồng nghiệp để tranh thủ dành nhiều thời gian ở nhà, theo sát lịch học và đồng hành cùng con trai trong những ngày ôn thi.

Các bậc phụ huynh cần có sự điều chỉnh, tạo những điều kiện thuận lợi để học sinh giảm bớt áp lực và thoải mái tinh thần trước kỳ thi quan trọng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Công việc văn phòng của tôi có thể sắp xếp điều chỉnh lịch, vì vậy tôi cố gắng dành nhiều thời gian để chăm sóc và đưa con đi học. Giai đoạn này con học tập căng thẳng: sáng đi học, chiều học thêm ngoài, tối lại tranh thủ học tiếp nên con dễ mệt mỏi và cáu gắt vì không có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Vì vậy, tôi luôn động viên, hỗ trợ con những điều kiện tốt nhất giúp con giảm bớt áp lực để chuyên tâm ôn thi,” anh Hoàng chia sẻ.

Do đặc thù công việc (làm phiên dịch cho công ty nước ngoài) nên chị Nhung (Hoàng Mai, Hà Nội) không thể dành nhiều thời gian ở nhà với con. Vì thế, chị luôn chuẩn bị sẵn những loại thực phẩm, hoa quả nhiều vitamin và chất dinh dưỡng trong tủ lạnh bồi bổ sức khỏe cho sĩ tử mùa thi.

“Bên cạnh các loại sữa, hoa quả trái cây..., gia đình tôi còn chuẩn bị thêm các loại nước yến, nước sâm hay thuốc bổ tăng tuần hoàn máu não, để con có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Có những ngày con học mệt và căng thẳng đến bỏ bữa, tôi phải dán giấy lên bàn học và tủ lạnh để nhắc con sắp xếp giờ giấc sinh hoạt,” chị Nhung chia sẻ.

Với vô vàn các cách đồng hành và giúp con giải tỏa bớt áp lực căng thẳng của mùa thi, hơn ai hết, các phụ huynh đều mong mỏi con em mình sẽ bình tĩnh, tự tin và "vượt vũ môn" thành công, bõ công một chặng đường 9 năm đèn sách./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục