Đã có nhiều chợ truyền thống của Việt Nam hay các shop bán hàng phải đóng cửa do không đủ sức cạnh tranh với hàng qua thương mại điện tử, dần dần sẽ bị lấn lướt, vì vậy việc chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ rất cấp thiết.
Đây là chia sẻ của đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông tại Diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công Thương năm 2024 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững,” do Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 21/11, tại Hà Nội.
Thách thức của doanh nghiệp vừa và nhỏ
Theo báo cáo tại diễn đàn, kinh tế toàn cầu hiện trong giai đoạn bắt đầu phục hồi sau thời kỳ khó khăn kéo dài. Đến tháng 9/2024, đa số các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế của năm 2024, dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 đạt khoảng 3,2%. Các hoạt động dịch vụ đang trên đà sôi động trở lại và tăng cao hơn so với khu vực công nghiệp.
Tương tự, nền kinh tế Việt Nam được dự đoán tăng trưởng năm 2024 cao hơn năm 2023 từ 0,9 đến 1,1 điểm phần trăm. Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng của phát triển kinh tế-xã hội.
Theo báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024” do Google - Temasek công bố ngày 05/11 vừa qua, ước tính quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm ngoái. Thương mại điện tử bán lẻ vẫn tiếp tục là trụ cột khi đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế Internet.
Kỳ vọng thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành kênh xuất khẩu chủ lực
Các doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn như thiếu hiểu biết về cách vận hành nền tảng thương mại điện tử, tối ưu trải nghiệm người dùng; hệ thống logistic chưa phát triển đồng đều.
Cùng đó, đơn vị nghiên cứu cũng đưa ra tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam dự kiến tiếp tục ổn định nhờ vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, cũng như xuất khẩu. Đến năm 2030, giá trị giao dịch toàn thị trường (GMV) có thể dao động từ 90-200 tỷ USD. Năm 2024 và các năm tiếp theo, với đà tăng trưởng mạnh mẽ như trên, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương), quy mô thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng) đã đạt 20,5 tỷ USD, chiếm khoảng 8% doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước và thúc đẩy liên kết vùng, logistics, thanh toán…
Hơn nữa, chuyển đổi số đã giúp thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp, gia tăng tốc độ giá trị sản xuất công nghiệp với mức tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023 và doanh thu công nghiệp, công nghệ số ước đạt khoảng 118 tỷ USD, tăng 17,78% so với cùng năm trước.
Riêng lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, theo ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết lĩnh vực này sẽ đóng góp vào kinh tế số nhanh nhất, bởi sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam (với tốc độ tăng trưởng 25%/năm).
Tuy vậy, ông Trần Minh Tuấn cũng chỉ ra những thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực này. Cụ thể từ khảo sát của liên bộ Công Thương-Thông tin và Truyền thông mới đây tại quận Phú Nhuận (Thành phố Hồ Chí Minh) trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua, với việc chọn mẫu 2.000/10.000 doanh nghiệp, chỉ có 3,5% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ đã có sử dụng các giải pháp công nghệ số.
“Như vậy còn khoảng 96% doanh nghiệp, cửa hàng, chợ truyền thống chưa sử dụng và là một thị trường rất lớn, do đó nếu không triển khai nhanh thì sẽ mất các thị trường đó vào các nhà cung cấp nước ngoài,” ông Tuấn lo ngại.
Trong khi đó, chuyên gia này cũng nêu ra thách thức lớn hơn trước sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới, trong đó nổi lên như Shein, Temu… của Trung Quốc, có tốc độ giao hàng rất nhanh và thuận tiện… đã thu hút một lượng lớn khách hàng Việt Nam sử dụng sản phẩm thương mại điện tử của nước ngoài, dẫn đến hệ lụy là không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới các cửa hàng bán buôn, bán lẻ phải đóng cửa.
“Đã có nhiều chợ truyền thống của Việt Nam hay các shop bán hàng phải đóng cửa do không đủ sức cạnh tranh với hàng bán qua thương mại điện tử, dần dần sẽ bị lấn lướt, vì vậy việc chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ rất cấp thiết,” đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông lưu ý.
Đi nhanh nhưng không “đốt cháy” giai đoạn
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ trên thế giới có giá trị hàng nghìn tỷ USD và tốc độ tăng trưởng bán buôn năm 2023 là 7%, còn bán lẻ cũng tăng hơn 8% trong năm ngoái.
Để tận dụng các cơ hội thị trường, theo ông Trần Minh Tuấn, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công Thương đang thúc đẩy triển khai tại 6 nhà cung cấp với đầy đủ hệ sinh thái (từ đưa hàng hóa lên mạng, thanh toán, kho vận, các dịch vụ liên quan đến logistics như kho lạnh, thông quan, hải quan khi có hàng hóa xuất qua biên giới) nhằm hỗ trợ các hộ kinh doanh để nhanh chóng đón đầu xu hướng chuyển đổi số.
Ngoài ra, liên bộ đã thống nhất, tất cả các nền tảng, giải pháp mà 6 doanh nghiệp cung cấp sẽ được miễn phí trong vòng 6 tháng để các hộ kinh doanh, cửa hàng bán buôn, bán lẻ có thể làm quen với các giải pháp ở đó và được tư vấn trực tiếp bởi các nhà cung cấp dịch vụ qua các kênh nóng, qua chatbox, qua điện thoại để được hướng dẫn, đồng thời các doanh nghiệp cung cấp các nền tảng bán buôn, bán lẻ sẽ đặt các quầy thông tin ở các chợ, các đầu mối để các hộ kinh doanh có thể trực tiếp đến hỏi.
“Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ đạo các Tổ Chuyển đổi số cộng đồng đẩy mạnh hỗ trợ các hộ kinh doanh sử dụng các nền tảng số ngay trên smart phone, đồng thời sau khi hết thời gian miễn phí, xây dựng các gói dịch vụ giá hợp lý để các hộ kinh doanh sử dụng, đây sẽ là giải pháp thiết thực hỗ trợ họ sẵn sàng chuyển đổi số,” ông Trần Minh Tuấn cho hay.
Trong lĩnh vực này, ngày 20/11/2024, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1437/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025, trong đó, xác định không gian tăng trưởng chủ yếu của kinh tế số Việt Nam là phát triển kinh tế số theo ngành, lĩnh vực; từng bước đưa công nghệ số và dữ liệu số trở thành yếu tố đầu vào quan trọng của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong từng ngành, lĩnh vực, từ đó nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế.
Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp phải chủ động nghiên cứu và xây dựng dề án, lộ trình chuyển đổi số, đồng thời xác định khả năng nguồn lực, năng lực công nghệ, khả năng đầu tư để phân đoạn theo lộ trình chuyển đổi số và xác định được mục tiêu và định nghĩa đúng về chuyển đổi số của doanh nghiệp mình.
“Chuyển đổi số là quá trình nên cần thực hiện từng bước và liên tục, có thể đi nhanh nhưng không thể đốt cháy giai đoạn,” đại diện EVN chia sẻ kinh nghiệm.
Về phía Bộ Công Thương, theo bà Lê Hoàng Oanh, trong năm 2025, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số sẽ đẩy thêm một kênh nữa để phát triển thương mại điện tử trực tuyến, đồng thời có sự quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, cũng như tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết vùng, chuỗi cung ứng các sản phẩm hàng hóa xuyên suốt trên môi trường thương mại điện tử, phát triển thương mại điện tử xanh, bền vững gắn liền với môi trường, thúc đẩy xuất khẩu qua thương mại điện tử ngoài kênh truyền thống.
“Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua chuyển đổi số để phát triển thông minh giai đoạn 2030 và hình thành các cơ chế để hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khai thác linh hoạt nguồn tài chính trong việc phát triển sản xuất thông minh, nâng cao chỉ số môi trường công nghệ số gắn liền với sản xuất thông minh…,” bà Lê Hoàng Oanh cho hay./.