Áp lực tiến vào kỷ nguyên số trong bối cảnh thương mại mới

Theo chuyên gia, Việt Nam bị tác động tiêu cực bởi những yếu tố bên ngoài, do nội lực của nền kinh tế Việt Nam còn nhiều vấn đề cần cải cách.
Áp lực tiến vào kỷ nguyên số trong bối cảnh thương mại mới ảnh 1Phiên thảo luận Cưỡi trên ngọn sóng số trong khuôn khổ Diễn đàn. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam sẽ đối mặt với các rủi ro, ảnh hưởng nào khi kinh tế thế giới có nhiều yếu tố bất ổn và áp lực thay đổi của cách mạng công nghệ?

Đây là nội dung được quan tâm tại Diễn đàn kinh doanh 2019: Tiến vào Kỷ nguyên số do Forbes Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 15/8.

Thách thức trong bối cảnh mới

Những năm qua, Việt Nam tăng trưởng dựa trên hai trụ cột chính là xuất khẩu và đầu tư. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% năm 2019, tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực.

Trong nửa đầu năm 2019, môi trường kinh doanh trong nước khá thuận lợi như lãi suất và tỷ giá ổn định, lạm phát trong vòng kiểm soát... Đồng thời, các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ giữ được nhịp tăng trưởng.

Tuy nhiên, với diễn biến nền kinh tế thế giới khó đoán định như hiện nay đang gây nguy cơ bất ổn, ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại, đầu tư, chính sách tiền tệ, trong đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài và tạo ra nhiều tác động lớn tới thương mại toàn cầu, nhất là khi hai nền kinh tế này là đối tác quan trọng của Việt Nam.

[Thương chiến Mỹ-Trung tác động mạnh tới xuất khẩu của Việt Nam]

Theo tiến sỹ Chua Hak Bin, Chuyên gia kinh tế cao cấp Maybank Kim Eng, nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn nên việc chịu tác động là vấn đề tất yếu. Thống kê cho thấy xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng hơn 30% trong thời gian qua, cho thấy có những cơ hội từ xuất khẩu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về thu hút dòng vốn FDI, Việt Nam đã trở thành thị trường hấp dẫn trong khu vực, chỉ sau Singapore. Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI vào Việt Nam khá đa dạng, ổn định và ít phụ thuộc vào một nền kinh tế nào.

Trong thời gian tới, Việt Nam nên phát huy giải pháp thu hút dòng vốn FDI từ nhiều nước và vùng lãnh thổ khác hơn. Để thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam phải có cơ chế chính sách thúc đẩy dòng vốn FDI vào hoạt động sản xuất. Ngoài ra, Việt Nam cần có sự chuẩn bị cho việc hấp thụ hiệu quả dòng vốn FDI đang chuyển hướng vào Việt Nam và tạo ra làn sóng thay đổi về giá nhân công, thuế, đất đai...

Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-Tiền tệ Quốc gia, cho biết nền kinh tế Việt Nam trong ba năm gần đây tăng trưởng tốt, chứ không chỉ mới nửa đầu năm 2019. Điều này, đến từ tiến trình không ngừng nỗ lực cải cách và điều hành những chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Đồng thời, Việt Nam đã ký kết được những Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới với các đối tác quan trọng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Trên nền tảng này, Việt Nam đảm bảo cho những cam kết cải cách và trở thành điểm đến hấp dẫn của thị trường toàn cầu.

Áp lực tiến vào kỷ nguyên số trong bối cảnh thương mại mới ảnh 2Diễn đàn thu hút đông đảo doanh nghiệp và chuyên gia tham dự. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Mặc dù vậy, về mặt dài hạn, tiến sỹ Trần Đình Thiên cho biết Việt Nam cũng bị tác động tiêu cực bởi những yếu tố bên ngoài, do nội lực của nền kinh tế Việt Nam còn nhiều vấn đề cần cải cách. Đây là giai đoạn đặt ra cho Việt Nam những thử thách cần vượt qua nhằm đạt được một đẳng cấp mới, thoát khỏi những rào cản cản trở nền kinh tế phát triển.

Nếu Việt Nam không bước vào nền kinh tế số thì sẽ bị loại khỏi thị trường toàn cầu. Vì thế, chuyển đổi số đang được xem là một trong những cơ hội để Việt Nam thay đổi và vươn lên trong thị trường thương mại tự do.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Thuấn, Nhà sáng lập, Chủ tịch và Tổng giám đốc TBS Group, cho hay hiện nay thu nhập bình quân của Việt Nam thấp, năng suất lao động cũng không cao. Do đó, muốn phát bền vững và có lợi thế, Việt Nam phải triển khai quản trị trên nền tảng số, tăng năng suất lao động, cải thiện tính cạnh tranh...

Điều kiện tiên quyết nên ưu tiên là Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng cơ sở dữ liệu số, ứng dụng công nghệ số nhằm tận dụng cơ hội trong bối cảnh hiện tại nhằm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Chủ động chuyển đổi

Kết quả nghiên cứu của Trung tâm kinh doanh toàn cầu của Đại học Tufts (Mỹ), Việt Nam ở vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số hóa nhanh trên thế giới.

Riêng tại Việt Nam, mức độ sẵn sàng tại thị trường Việt Nam rất cao, nên không chỉ doanh nghiệp mà cả thị trường và người tiêu dùng không gặp rào cản khi tham qua chuyển đổi số hóa. Hay nói cách khác, Việt Nam đã và đang thích nghi với chuyển đổi số hóa không chỉ bằng nhận thức, mà còn chủ động tiếp cận những mô hình kinh doanh mới.

Dẫn chứng cụ thể, bà Joan Ziegler, Giám đốc điều hành Công ty Sequent, Inc cho rằng hầu hết các ngân hàng đều có hệ thống thanh toán quan điện thoại di động, nên gần như người tiêu dùng phải từ bỏ thói quen cũ và ngày càng bắt kịp quá trình số hóa.

Áp lực tiến vào kỷ nguyên số trong bối cảnh thương mại mới ảnh 3Doanh nghiệp giới thiệu công nghệ AI (Trí tuệ nhân tạo) bên lề Diễn đàn. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Trong thời gian trước, những công ty thường mở cuộc họp trực tiếp, nhưng công nghệ số đã thay đổi bằng cách thức họp trực tuyến, văn bản và số liệu được số hóa. Riêng đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì có thể ứng dụng ngay việc chuyển đổi số hóa.

Còn tiến sỹ Nguyễn An Nguyên, Giám đốc điều hành và Nhà sáng lập Trusting Social cho biết, người tiêu dùng tại Việt Nam cũng đã số hóa khá lâu và luôn đi trước các doanh nghiệp. Nền kinh tế số mang lại cho doanh nghiệp có thể tiếp cận cơ sở sữ liệu lớn, như vậy cần tận dụng như thế nào là bài toán đặt ra cho các công ty.

Số hóa trong doanh nghiệp là yêu cầu chuyển đổi để tồn tại và nắm bắt cơ hội kinh doanh. Trong đó, có thể kể đến cơ hội thay đổi mô hình kinh doanh và phát triển thị trường mới.

Một trong những ưu điểm của số hóa là tiếp cận người tiêu dùng với chi phí rất rẻ. Chính vì vậy, dù doanh nghiệp đã có hàng trăm năm hay mới khởi nghiệp đều phải chuyển đổi số hóa mới chinh phục người tiêu dùng, cũng như mở rộng thị trường.

Khi nói về sự chuyển đổi trong một doanh nghiệp, theo ông Bruce Delteil, Đối tác điều hành McKinsey & Companny, số hóa đóng vai trò thay đổi toàn diện trong tương tác với khách hàng, đối tác...

Còn ở góc nhìn kinh tế, số hóa đang dịch chuyển giá trị từ nhà sản xuất, nhà cung cấp… sang khách hàng. Ở mỗi quốc gia, ngành nghề có lộ trình riêng, nhưng cần hiểu rõ phải chuẩn bị sẵn sàng cho sự chuyển đổi.

Liên quan đến thách thức đối với doanh nghiệp khi chuyển đổi số hóa, ông Bruce Delteil cho rằng đó là lên kế hoạch chiến lược và những vấn đề sẽ triển khai. Trong đó, người lãnh đạo cần làm việc với đội ngũ nguồn nhân lực, tạo ra văn hóa đổi mới sáng tạo trong công ty. Thông qua đó, doanh nghiệp lựa chọn chiến lược chuyển đổi số hóa trong việc tận dụng đội ngũ sẵn có, thuê ngoài, tìm kiếm đối tác...

Theo ông Lê Trí Thông, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú nhuận - PNJ, khi chuyển đổi số hóa, ứng dụng công nghệ thì khối lượng công việc tăng lên và nhận được sự đồng thuận của người lao động. Bởi trong quá trình chuyển đổi số hóa, doanh nghiệp vừa chuẩn bị cho một chiến lược trong tương lai, vừa đảm bảo vận hành tốt mô hình kinh doanh hiện tại. Vì vậy, quá trình chuyển đổi số hóa trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Việt Nam đòi hỏi sự quyết tâm của Ban lãnh đạo và sự đồng hành của đội ngũ người lao động để tránh những “cú sốc.”

Từ những nhận định của các chuyên gia có thể thấy, ngày càng xuất hiện một số mô hình kinh doanh trên nền tảng số tạo ra thay đổi mang tính cách mạng ở các lĩnh vực như vận tải hành khách, bán lẻ, dịch vụ lưu trú, du lịch, tài chính...

Cuộc cách mạng công nghệ đang nhanh chóng thay đổi cấu trúc nhiều ngành nghề truyền thống, tạo cơ hội bứt phá cho các công ty kịp thời xoay chuyển chiến lược kinh doanh và cách tiếp cận với thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục