Hạn mức tăng trưởng tín dụng “room” là vấn đề liên tục "nóng" trong thời gian qua khi nhiều ngân hàng đã sử dụng hết số được cấp ngay từ những quý đầu năm dẫn đến tình trạng dư vốn nhưng không thể cho vay mới. Trong khi đó quý 3 là mùa cao điểm sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa nhưng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn chật vật bởi room bị hạn chế...
Doanh nghiệp, ngân hàng đều ngóng room
Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản đều vay vốn từ ngân hàng, nhưng từ đầu tháng Tám đến nay tín dụng đang siết khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết doanh nghiệp xuất khẩu gạo đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ không có vốn lớn để đầu tư nên toàn bộ đều vay vốn ngân hàng cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, nhất là vào các tháng cuối năm cần đẩy mạnh giao hàng nên nhu cầu vốn lại tăng cao.
[Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Nhiều khách hàng từ chối vì sợ thanh tra]
“Thông thường thị trường xuất khẩu gạo sẽ bắt đầu nhộn nhịp từ tháng Mười, vì đây là thời điểm doanh nghiệp cần vốn để đón đầu thu mua lúa vụ Thu Đông và thu mua gối đầu cho năm 2023. Từ nay đến cuối năm, lượng gạo xuất khẩu theo kế hoạch còn khoảng 2 triệu tấn, nếu bây giờ bị siết room tín dụng cũng khó cho doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp ngành gạo phải có hợp đồng xuất khẩu thì ngân hàng mới cho vay, như vậy họ không có nguồn để dự trữ gối đầu,” ông Nam nói.
Một số doanh nghiệp khác thì bị ngân hàng từ chối cho vay với lý do "hết hạn mức tăng trưởng tín dụng."
Giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cho biết, chi nhánh đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được phân bổ trong 6 tháng đầu năm. Trong 6 tháng cuối năm, chi nhánh này chỉ còn 70 tỷ đồng để đáp ứng các nhu cầu vay vốn của khách hàng. Điều này khiến cho chi nhánh rơi vào thế khó, bởi nhu cầu của khách hàng những tháng cuối năm thường tăng cao, đặc biệt là giai đoạn kinh tế ngày càng hồi phục.
"Nếu đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng, chi nhánh sẽ vượt hạn mức tăng trưởng tín dụng. Ngược lại, nếu chỉ tăng trưởng trong hạn mức đã được cấp, ngân hàng phải chấp nhận nghe doanh nghiệp, người dân phàn nàn vì không vay được vốn," Giám đốc chi nhánh ngân hàng này cho hay.
Đây không phải là câu chuyện của riêng một ngân hàng nào, mà là tình trạng chung không ít ngân hàng đang phải đối mặt. Việc tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm quá cao khiến nhiều ngân hàng phải xin nới hạn mức cho nửa cuối năm và đang chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Trước tình hình căng thẳng room tín dụng của các ngân hàng, cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết muộn nhất trong tuần này sẽ thông báo tăng trưởng tín dụng phần còn lại của năm nay (trong tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng 14% của năm 2022), để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước không công khai mức nới room cho từng ngân hàng, song khả năng chỉ một số ngân hàng thương mại được nới room. Giới chuyên gia dự báo các ngân hàng có khả năng được nới room cao là Vietcombank, MB, VPBank, VietinBank, BIDV, Agribank, HDBank...
Tuy nhiên, trước kỳ nghỉ lễ, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho biết vẫn đang chờ thông tin từ Ngân hàng Nhà nước và hiện tại vẫn chưa có thông tin chính thức về điều chỉnh room tín dụng.
Dù vậy, trên thị trường chứng khoán ngày 30/8, nhiều cổ phiếu ngân hàng như BID, VCB, CTG, VPB, MBB… bật tăng mạnh. Một số thông tin cho rằng, nhiều khả năng những ngân hàng này sẽ được điều chỉnh tăng room.
Theo Công ty chứng khoán PSI, lạm phát được kiểm soát tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước xem xét "lỏng tay" hơn trong việc hạn chế room tín dụng trong những tháng cuối năm.
Theo đó, các ngân hàng thương mại có tỷ lệ an toàn vốn cao, quản trị rủi ro tốt, nhận lại ngân hàng 0 đồng và danh mục cho vay tập trung vào các ngành nghề ưu tiên sẽ được phân bổ thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, dư địa tăng không nhiều do Ngân hàng Nhà nước kiên định với mức tăng trưởng chung toàn ngành là 14% để thực hiện mục tiêu quan trọng nhất là kiểm soát lạm phát.
Vẫn có cơ hội xem xét nới room tín dụng
Các chuyên gia của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết từ năm 2013 đến nay, tăng trưởng tín dụng thường tăng cao hơn trong nửa cuối năm so với nửa đầu năm, chỉ trừ năm 2019. Điều này phù hợp với quy luật nhu cầu vốn mạnh hơn trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên, năm 2022 có một đặc thù là năm phục hồi sau đại dịch, do đó, nhu cầu vốn đã tăng tốc mạnh trong giai đoạn đầu năm. Trong 8 tháng 2022, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng lần lượt 24,2% và 31,1% so với cùng kỳ. Điều này hàm ý rằng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và đầu tư mới vẫn còn khá lớn.
Xét theo lĩnh vực cho vay, hoạt động thương mại và hoạt động khác đóng góp hơn 70% vào tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế trong nửa đầu năm.
Riêng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng 14,1% so với cuối năm 2021, trong đó, tín dụng đối với bất động sản kinh doanh chỉ tăng 8,2% nhưng tín dụng bất động sản phục vụ mục đích sử dụng tăng đến 17,2%, cao hơn đáng kể so với mức tăng tín dụng chung là 9,4%.
Đối với các lĩnh vực còn lại thì nhu cầu vay cho hoạt động công nghiệp tăng 7,6% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng 8,9% của cùng kỳ năm trước. Tín dụng vào các ngành nông nghiệp, xây dựng và vận tải ghi nhận sự phục hồi, lần lượt tăng 7,5%, 7,1% và 3,8% so với đầu năm.
''Diễn biến này cho thấy nhu cầu vay mua bất động sản đang dẫn dắt dòng chảy tín dụng, trong khi đó, cho vay đến các nhà phát triển bất động sản bị hạn chế bởi chính sách. Nhu cầu vốn cho hoạt động thương mại trở lại mạnh mẽ, các lĩnh vực còn lại có ghi nhận sự phục hồi về nhu cầu tín dụng nhưng chậm hơn,'' chuyên gia VDSC nhận định.
Dựa vào bức tranh tín dụng chung và triển vọng phục hồi của nền kinh tế, nhóm phân tích đánh giá nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế vẫn sẽ ở mức cao, việc siết room tín dụng trong phần lớn thời gian của quý 3 sẽ phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và mở rộng của các doanh nghiệp trong thời gian còn lại của năm. Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế.
Chuyên gia VDSC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho phù hợp hơn với nhu cầu thực tế, tăng trưởng tín dụng cả năm ước có thể đạt 16%. Áp lực nới room tín dụng đang mạnh, do đó Ngân hàng Nhà nước có thể phải linh hoạt hơn trong việc cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.
Đồng tình với qua điểm trên, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng lạm phát của Việt Nam là do lạm phát chi phí đẩy (chủ yếu lạm phát nhập khẩu), chứ không phải lạm phát do cầu kéo. Chính vì vậy, kiểm soát lạm phát ở Việt Nam không thể dùng chính sách tiền tệ, mà phải dùng biện pháp thuế (giảm thuế nhập khẩu để giảm giá hàng hóa). Khi giảm được lạm phát chi phí đẩy, Ngân hàng Nhà nước có thể nới room tín dụng. Theo chuyên gia này, tín dụng Việt Nam năm nay ở mức 15%-16% là có thể chấp nhận được./.