Áp lực lớn buộc các ngân hàng tích cực “đẩy tiền” để tăng tín dụng

Nhằm tìm cách tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm, các tổ chức tín dụng đang tích cực tìm kế đẩy tiền ra bằng nhiều hình thức khuyến mãi khác nhau.
Áp lực lớn buộc các ngân hàng tích cực “đẩy tiền” để tăng tín dụng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Những năm trước, càng về cuối năm nhu cầu vốn càng cao, các ngân hàng thương mại "đua nhau" đưa ra các hình thức khuyến mại để thu hút tiền gửi, nhưng năm nay lại khác hẳn, các tổ chức tín dụng lại ra sức tìm kế "đẩy tiền" ra cũng bằng nhiều hình thức khuyến mãi khác nhau.

Ở thời điểm này, để đưa được đồng vốn ra ngoài thị trường là rất khó khăn, trong khi đó các doanh nghiệp cũng chưa tìm được đầu ra nên cũng chẳng "mặn mà", kể cả khi có nguồn vốn giá rẻ.

Không tăng trưởng bằng mọi giá

Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng Bảy, tín dụng toàn ngành tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong một tháng qua, tín dụng chỉ tăng được có 0,8% so với con số 3,52% trong 6 tháng đầu năm.

Các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, con số này đang là áp lực lớn đối với Ngân hàng Nhà nước từ nay đến cuối năm.

Để cải thiện chỉ số tín dụng ở những tháng cuối năm, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thừa nhận: “Khi tín dụng bị đình trệ, Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt sử dụng kênh tín dụng ngoại tệ như cú hích nhằm góp phần đẩy toa tàu tín dụng toàn hệ thống nhích lên để hỗ trợ cho tăng trưởng.”

Ngân hàng HSBC cũng vừa đưa ra bản báo cáo tháng Bảy nhận định, tín dụng cả năm của hệ thống ngân hàng sẽ chỉ tăng khoảng 10% dù GDP vẫn tăng trưởng tốt. Để giải thích nghịch lý này, bộ phận nghiên cứu của HSBC cho rằng ngành sản xuất là một trong những nguyên nhân giúp nền kinh tế vẫn tăng trưởng ở mức 5% đến 5,5% trong những năm gần đây. Tính từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tăng trưởng 14,1% đã giúp hỗ trợ nền kinh tế.

Ngay từ đầu năm, con số tăng trưởng tín dụng từ 12-14% vẫn luôn được Ngân hàng Nhà nước khẳng định là mục tiêu định hướng. Trong quá trình thực hiện, tùy theo “sức khỏe” của nền kinh tế, sự hấp thụ vốn của các doanh nghiệp mà các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay để đạt chỉ tiêu này.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, với diễn biến kinh tế hiện nay, tăng trưởng tín dụng cả năm có thể đạt mức 10%. Theo ông Lực, con số này phản ứng đúng thực tế của nền kinh tế và mức 12-14% mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra đầu năm chỉ là định hướng chứ không phải hệ thống ngân hàng phải tăng trưởng bằng mọi giá để đạt con số trên.

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2014, trong đó, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu đề ra, không để dồn vào thời điểm cuối năm; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Tự giải cứu

Dù biết rằng tăng trưởng tín dụng thấp ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận nhưng các ngân hàng vẫn gặp không ít trở ngại trên con đường tìm đầu ra cho dòng vốn. Trong bối cảnh kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi, sức cầu còn rất yếu, “sức khỏe” của doanh nghiệp chưa được cải thiện thì lối ra cho tín dụng vẫn sẽ hẹp. Hạ lãi suất cho vay kết hợp với những ưu đãi khi sử dụng những dịch vụ khác là một giải pháp.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định: Cạnh tranh giữa các ngân hàng trong những tháng cuối năm để tăng trưởng tín dụng sẽ rất gay gắt. Vì thế, đưa ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, đẩy mạnh cho vay dự án bất động sản, cho vay tiêu dùng… là cách thức được nhiều ngân hàng đồng loạt triển khai những ngày qua.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng Giám đốc Vietcombank chia sẻ: “Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 của Vietcombank là 17%. Để đạt được con số này thì những tháng cuối năm, chúng tôi phải chú trọng tới việc tiếp cận và mở rộng các khách hàng mới là những doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp kinh doanh tốt trên sàn chứng khoán.”

VietinBank cũng vừa triển khai chương trình cho vay ưu đãi “Tiếp vốn nhanh-vay ưu đãi” kéo dài từ nay đến hết năm 2014 với mức lãi suất cho vay đặc biệt ưu đãi, chỉ từ 7,99%/năm.

Áp lực lớn buộc các ngân hàng tích cực “đẩy tiền” để tăng tín dụng ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN).

Một số ngân hàng thương mại cũng đang đẩy mạnh các gói tín dụng ưu đãi như: Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) dành 1.000 tỷ đồng với lãi suất 8%/năm đối với VND và 3,2%/năm đối với USD dành cho các doanh nghiệp phụ trợ đặc thù; Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) triển khai gói cho vay doanh nghiệp trị giá 2.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi VND chỉ 7%/năm.

Mới đây nhất, BIDV đã dành 1.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho khách hàng là cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vay phục vụ mục đích tiêu dùng có tài sản bảo đảm là bất động sản với lãi suất chỉ từ 7,8%/năm.

Trước câu hỏi, hiện nay có nhiều ngân hàng tung ra những gói tín dụng lãi suất thấp, nhưng việc hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn chưa được như kỳ vọng, ông Vũ Nhật Lâm, Phó Tổng giám đốc OceanBank cho rằng, lãi suất là yếu tố cần nhưng chưa đủ. Theo ông Lâm, để vốn vay đến được doanh nghiệp, cần có sự nỗ lực của cả hai phía: ngân hàng và doanh nghiệp. Về phía ngân hàng, đó là cải thiện thủ tục và quy trình cấp tín dụng, trong đó yếu tố quan trọng là rút ngắn thời gian duyệt vay và minh bạch chính sách.

Về phía mình, Ngân hàng Nhà nước cũng thực thi nhiều giải pháp khơi thông dòng tín dụng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai chương trình thí điểm mô hình cho vay liên kết theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp; chỉ đạo các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh phối hợp với chính quyền địa phương triển khai chương trình kết nối mô hình “Ngân hàng-Doanh nghiệp”; cho ngư dân vay ưu đãi đóng tàu vỏ thép…

Mặc dù hệ thống ngân hàng đã đưa ra nhiều ưu đãi nhưng sức hấp thụ vốn thực tế của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Có những doanh nghiệp làm ăn tốt thì có tới 3-4 ngân hàng đến “chăm sóc” với lãi suất rất ưu đãi nhưng doanh nghiệp cũng không mặn mà vì họ đã có sẵn tiềm lực hoặc đầu ra đang gặp khó khăn

Ông Ngô Văn Phăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm thủy sản xuất khẩu Cà Mau cho biết, Công ty của ông đã có quan hệ tín dụng với Agribank từ rất lâu và vẫn luôn nhận được sự hỗ trợ từ ngân hàng này. Nhưng thời gian gần đây Công ty ông không có nhu cầu vay nhiều vốn mà chỉ sản xuất cầm chừng vì xuất khẩu tôm và cá đang gặp khó khăn.

Ngược lại, có những doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất kinh doanh lại không được ngân hàng mở hầu bao vì thiếu tài sản thế chấp. Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vân Anh chuyên kinh doanh về thép thừa nhận, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất khó khăn, nhất là các doanh nghiệp mới đi vào sản xuất, kinh doanh. Không chỉ là khó khăn về điều kiện tài sản đảm bảo luôn phải có giá trị cao hơn số vốn vay mà còn cần phải có báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Vinh cho biết thêm, công ty của đang muốn mở rộng thêm cửa hàng và đã gõ cửa một vài nhà băng nhưng đều nhận được những cái lắc đầu bởi hồ sơ vay vốn không đáp ứng được điều kiện của ngân hàng do những tài sản có giá trị đã thế chấp khi vay vốn đầu tư cho cửa hàng thứ nhất.

Điều này cũng trùng với kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2013 cho thấy, 22% doanh nghiệp cho rằng, tiếp cận vốn là khó khăn hàng đầu họ gặp phải trong sản xuất kinh doanh.

Trong đó, riêng với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, có tới 68% doanh nghiệp phản ánh khó hoặc không thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục