Áp lực giảm giá đeo bám đồng nội tệ của các nước Trung và Đông Âu

Áp lực giảm giá đeo bám đồng nội tệ các nước Trung và Đông Âu

Chuyên gia của Barclays nhận định rằng các đồng nội tệ tại Trung và Đông Âu vẫn còn yếu, bởi tốc độ tăng trưởng chậm lại của châu Âu và thế giới nói chung tiếp tục gây áp lực lên nhu cầu trong nước.
Áp lực giảm giá đeo bám đồng nội tệ các nước Trung và Đông Âu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Chính phủ nhiều quốc gia ở Trung và Đông Âu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đồng nội tệ của các quốc gia này rơi vào đà giảm giá.

Tuy nhiên, không chỉ dừng ở đó, giới phân tích cảnh báo áp lực giảm giá sẽ tiếp tục đeo bám đồng nội tệ của khu vực này trong thời gian tới.

Đồng forint của Hungary đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, trong khi đồng zloty của Ba Lan ghi nhận đà lao dốc trong thời gian gần đây, mà nguyên nhân phần lớn là do lĩnh vực chế tạo ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tăng trưởng chậm lại.

Điều này một lần nữa cho thấy hiệu ứng khi nền kinh tế Đức có dấu hiệu tăng trưởng yếu thì các nước láng giềng nhỏ hơn cũng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Trong trường hợp của Ba Lan, sự rớt giá của đồng nội tệ còn xuất phát từ một nguyên nhân khác, đó là các khoản vay bảo đảm bằng tài sản thế chấp bằng đồng franc Thụy Sỹ.

Trước cuộc khủng hoảng tài chính, các hộ gia đình tại khu vực Trung và Đông Âu đã tích cực tìm kiếm các khoản vay thế chấp bằng đồng franc Thụy Sỹ, bởi sự hấp dẫn của đồng tiền này thông qua những lời hứa hẹn về khả năng kiểm soát nợ và lãi suất thấp ở Thụy Sỹ, cộng thêm đồng nội tệ của các nước Trung và Đông Âu khi đó ở mức cao.

Tuy nhiên, khi khủng hoảng tài chính xảy ra, đồng franc bỗng chốc tăng lên mức cao kỷ lục, trong khi các loại tiền khác như đồng forint và zloty giảm mạnh. Chiều hướng này khiến chi phí vay cũng tăng vọt theo và gây áp lực lớn lên những người đi vay, trong đó có đến 2/3 số hộ gia đình Hungary.

Năm 2011, Budapest đã phải tung ra các biện pháp can thiệp, theo đó yêu cầu hầu hết các nhà cho vay nước ngoài chuyển đổi các khoản cho vay thế chấp trị giá 9 tỷ euro từ đồng franc Thụy Sỹ sang đồng forint của nước này với tỷ giá cố định thấp hơn đáng kể so với giá trị thị trường. Hiện nay, các ngân hàng ở Ba Lan vẫn chưa thể giải quyết danh sách dài các khoản cho vay bằng đồng franc tại nước này.

Ngày 3/10/2019 là thời hạn mà Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đưa ra phán quyết về các khoản vay bằng đồng franc Thụy Sỹ trị giá 130 tỷ zloty (30 tỷ euro) mà những người đi vay cáo buộc là việc cung cấp các khoản cho vay này không đáp ứng các cam kết đã đưa ra.

Theo ước tính của ING, việc đánh giá lại các khoản cho vay này có thể khiến các ngân hàng Ba Lan mất đến 60-80 tỷ zloty. Điều đó có thể làm suy yếu đồng zloty một cách đáng kể, mặc dù Petr Krpata, một nhà phân tích tiền tệ tại ING ở London, nhận định rằng có thể mất nhiều năm để có thể giải quyết những tranh chấp này.

ECJ đã để ngỏ khả năng yêu cầu các ngân hàng chuyển đổi các khoản vay thế chấp sang đồng zloty theo tỷ giá hối đoái tại thời điểm khoản cho vay được giải ngân.

[Những rủi ro lớn đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế châu Á]

Năm 2008, đồng franc Thụy Sỹ giao dịch ở mức 1,96 zloty đổi 1 franc Thụy Sỹ; ngày 1/10 tỷ giá là 4,02 zloty đổi 1 franc. Hiện tại, đồng zloty đã giảm hơn 3% so với đồng euro kể từ tháng 7/2019, với 4,39 zloty đổi 1 euro.

Trong khi đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất của châu Âu, bất chấp việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra các chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Vì thế, các nhà đầu tư đang tăng cường bán ra đồng tiền của các nền kinh tế nhỏ hơn ở châu Âu.

Nik Sgouropoulos, chuyên gia về tiền tệ tại Barclays, nhận định rằng các đồng nội tệ trong khu vực Trung và Đông Âu vẫn còn yếu, bởi tốc độ tăng trưởng chậm lại của châu Âu và thế giới nói chung tiếp tục gây áp lực lên nhu cầu trong nước.

Theo David Petitcolin, chuyên gia về tiền tệ của các thị trường mới nổi tại Deutsche Bank, rổ tiền tệ bao gồm đồng forint, đồng zloty và đồng koruna (của Czech) có thể giảm giá tới 5% trong ngắn hạn so với đồng shekel của Israel, một nền kinh tế mở tương đối nhỏ khác gần khu vực Trung và Đông Âu.

Riêng với đồng forint, triển vọng còn xấu hơn. Đồng nội tệ của Hungary này đã giảm khoảng 4% từ đầu năm đến nay, và xuống mức thấp nhất so với đồng euro trong tuần trước sau khi có thông tin cho hay các chỉ số lĩnh vực chế tạo của Eurozone giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm.

Trước đây, Ngân hàng trung ương Hungary từng tăng lãi suất để đối phó với tình trạng kinh tế Eurozone tăng trưởng chậm và đồng nội tệ giảm giá. Nền kinh tế của Hungary phụ thuộc rất nhiều vào các khoản nợ bằng ngoại tệ, do đó đồng forint yếu hơn tạo ra rủi ro rất lớn đối với sự ổn định tài chính trong nước. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2009, khoản nợ bằng ngoại tệ của nước này ở mức tương đương 90% GDP.

Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Ngân hàng OTP ở Budapest, Gergely Tardos, cho biết, giờ đây, khả năng Hungary tăng lãi suất không thể xảy ra, vì tỷ lệ nợ ngoại tệ so với GDP đã giảm xuống mức 30%.

Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách lại không quá lo lắng miễn là dự báo lạm phát vẫn phù hợp với mục tiêu của ngân hàng trung ương là 3%. Đồng forint yếu hơn sẽ có lợi cho việc thúc đẩy xuất khẩu, chi tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế tổng thể, theo ông Tardos.

Ông dự đoán giá trị của đồng forint với đồng euro sẽ duy trì mức hiện nay từ giờ đến cuối năm và sẽ giảm 1,5% trong hai năm tới.

Ngân hàng trung ương Hungary mới đây thông báo giữ nguyên lãi suất ở mức 0,9%.

Theo Eszter Gargyan, chuyên gia kinh tế Hungary của Citigroup, ngân hàng trung ương có dư địa để triển khai thêm các biện pháp kích thích bất thường khác nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn yếu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục