Câu chuyện sản phẩm đùi gà nhập khẩu từ Mỹ đang được bán trên thị trường với giá chưa tới 20.000 đồng/kg đã khiến cho những người chăn nuôi Việt Nam trở nên hoang mang, lo lắng trước những nguy cơ thua lỗ nhãn tiền. Theo đó, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ đặt ra nghi vấn, cho rằng đây là hành động lũng loạn, bán phá giá trên thị trường.
Tại buổi họp báo Chính phủ (31/7), Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác minh làm rõ vụ việc trên.
Song, trước khi có những kết quả điều tra chính thức về khả năng bán phá giá của sản phẩm đùi gà nhập khẩu từ Mỹ thì xu thế hội nhập với các hiệp định thương mại tự do chất lượng cao cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo khả năng cạnh tranh của khu vực chăn nuôi nội địa đang trong thế yếu.
Trong một nghiên cứu “Đánh giá Tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến Việt Nam: Các tác động vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi,” của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã chỉ ra, “Chăn nuôi là ngành lớn thứ hai trong nông nghiệp của Việt Nam, chỉ đứng sau trồng trọt. Song, nó lại bị coi là ngành kém cạnh tranh, không bền vững và dễ chịu tác động xấu của các hiệp định thương mại tự do.”
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR chủ biên Báo cáo nhấn mạnh, “trong quá trình hội nhập quốc tế thông qua các hiệp định thương mại, chỉ một số lượng nhỏ các trang trại thương mại lớn ở Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh nhờ lợi thế kinh tế theo quy mô và cơ hội nhập giống, thức ăn giá rẻ hơn. Về cơ bản, với những đặc điểm kể trên, ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của nhà cung cấp nước ngoài khi thuế nhập khẩu và cả các biện pháp phi thuế quan được cắt giảm và dỡ bỏ.”
Thông qua việc phân tích các xu hướng về tiêu dùng, sản xuất, xuất nhập khẩu cũng như cấu trúc thị trường trong ngành chăn nuôi, Báo cáo chỉ ra các nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi của việt Nam có sức cạnh tranh thấp. Cụ thể, các mô hình chăn nuôi sản xuất chủ yếu là nhỏ lẻ, phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu giống, thức ăn từ nước ngoài, tình trạng bệnh tật còn phổ biến, khả năng và ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường yếu kém. Đây là những hiện tượng điển hình trong khắp các phân ngành chăn nuôi từ lợn, gà, đại gia súc, sữa và các sản phẩm sữa… của Việt Nam.
Những đặc điểm trên đã khiến cho năng suất và sản lượng của ngành chăn nuôi Việt Nam đạt mức thấp, phụ thuộc ngày càng nhiều và nhập khẩu từ các nước trong TPP, đặc biệt là Mỹ, Australia, New Zealand, Canada và một vài nước trong AEC như Thái Lan.
Nhóm chuyên gia thực hiện nghiên cứu khuyến cáo rằng hơn thế, ngành chăn nuôi trong nước sẽ còn phải đối diện với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn của hàng ngoại nhập khi Việt Nam hội nhập sâu hơn kinh tế thế giới và khu vực và đặc biệt là khi TPP có hiệu lực từ 2016.
Cụ thể, kết quả phân tích định lượng cho thấy trong cả hai trường hợp tự do hóa, thương mại và sản lượng của các ngành chăn nuôi đều giảm. Trong đó, sản lượng thịt các động vật (lợn, gia cầm,…) bị thiệt hại mạnh nhất cả về phần trăm và giá trị. Bên cạnh đó, việc sản lượng giảm sẽ khiến cho nhu cầu lao động trong các ngành chăn nuôi cũng giảm rõ rệt (cả lao động phổ thông và lao động có kỹ năng).
“Toàn bộ ngành được dự đoán sẽ thu hẹp sau khi tham gia TPP và ở mức độ thấp hơn khi gia nhập AEC. Trong ngắn hạn, khi thói quen của người tiêu dùng chưa thể thay đổi thì ảnh hưởng của tự do thương mại chưa tác động nhiều tới ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, về dài hạn, khi thịt đông lạnh được chấp nhận, sản xuất trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi phải cạnh tranh với các sản phẩm thịt từ các nước TPP,” ông Thành dự báo.
Từ những vấn đề của nội tại nêu ở trên, tới đây, khi áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu gia tăng buộc ngành chăn nuôi Việt Nam phải có sự tái cấu trúc mạnh mẽ để tăng hiệu quả nhằm tồn tại được trên thị trường. Khi đó, nhiều hộ nông dân, trang trại, doanh nghiệp kém hiệu quả sẽ đứng trước nguy cơ rời khỏi thị trường và muốn tồn tại được chỉ còn phương cách tái cấu trúc để có thể nâng cao sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó, Nhóm chuyên gia đưa ra khuyến nghị, các nhà sản xuất nên liên kết chuỗi để có thể bớt giảm những chi phí trung gian nhằm ổn định đầu vào đầu ra cũng như tận dụng lợi ích kinh tế nhờ quy mô mở rộng, đồng thời giảm ô nhiễm do các loại rác thải, cần xử lý tập trung và tái chế làm thức ăn, phân bón, thậm chí với kỹ thuật tốt còn có thể phát điện.
Để nâng cao sức cạnh tranh và chiếm lĩnh lòng tin, sự yêu mến của người tiêu dùng nội địa, theo ông Thành “các nhà sản xuất cần phải có những thông tin rõ ràng, minh bạch về sản phẩm, như lập quy chuẩn về truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm, thành phần, ngày sản xuất, vùng nuôi, trại giống… qua các giai đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối.”./.