Các hãng hàng không nước ngoài đang khai thác 20 đường bay chặng dài tới Trung Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh mới khi Bắc Kinh bắt đầu nới lỏng chính sách "một đường bay, một hãng hàng không" từ ngày 1/10, cho phép thêm nhiều hãng hàng không Trung Quốc khai thác trên các đường bay nói trên.
Theo số liệu của công ty dữ liệu hàng không Trung Quốc Varifight, việc nới lỏng chính sách hàng không nói trên sẽ làm tăng 20% năng suất các chặng bay đường dài hàng ngày của Trung Quốc.
Điều này sẽ tạo áp lực cho các hãng hàng không của Mỹ và châu Âu như United Airlines và Air France KLM, vốn có giá vé cao, nhu cầu dịch vụ từ thị trường nội địa không cao, trong khi lại thiếu sự am hiểu về thói quen của khách hàng Trung Quốc. Hiện các hãng hàng không Trung Quốc chiếm tới 50% số ghế của 20 đường bay chặng dài này.
[Chiến tranh thương mại có ngăn cản hành trình trỗi dậy của Trung Quốc]
Trước những áp lực mới, có một số hãng hàng không đã hủy khai thác đường bay tới Trung Quốc. Gần đây, American Airlines có kế hoạch khai thác đường bay Thượng Hải-Chicago sau khi hủy đường bay Bắc Kinh-Chiago do thua lỗ từ đường bay này lên tới 30 triệu USD/năm.
Trung Quốc thực hiện chính sách "một đường bay, một hãng hàng không" từ năm 2009 và việc nới lỏng chính sách này là phản ứng của Bắc Kinh trước thị trường hàng không đang không ngừng chuyển động.
Cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc cho biết sẽ có thêm một hãng hàng không Trung Quốc khai thác đường bay Thượng Hải-Paris (Pháp) và Thượng Hải-Frankfurt (Đức) cùng hai hãng hàng không khai thác.
Các hãng hàng không nước ngoài khai thác các đường bay tới Trung Quốc hiện có Delta Air Line, Air New Zealand, Lufthansa, Air Canada, British Airways, Virgin Atlantic, United Airlines và American Airlines,.../.