Áp dụng phương pháp Stem trong giáo dục phổ thông

Stem là phương pháp tiếp cận liên ngành về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học để mang đến cho học sinh những trải nghiệm thực tế.
Áp dụng phương pháp Stem trong giáo dục phổ thông ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 22/6, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo giáo dục Stem trong chương trình giáo dục phổ thông của một số nước và vận dụng vào điều kiện của Việt Nam.

Stem là phương pháp tiếp cận liên ngành tạo ra sự kết hợp hài hòa giữa các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học để mang đến cho học sinh những trải nghiệm thực tế.

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục trong nước tham khảo kinh nghiệm giáo dục Stem của một số nước trên thế giới nhằm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới giai đoạn sau năm 2015. Đồng thời, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về dạy học tích hợp trong giáo dục phổ thông nói chung và các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học nói riêng.

Bản chất của giáo dục Stem là thông qua việc tích hợp các môn học để trang bị cho người học khả năng vận dụng tổng hợp những kiến thức, kĩ năng liên quan đến 4 lĩnh vực: khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Người học có khả năng gắn kết giữa lý thuyết và thực tế cuộc sống, lấp đầy khoảng trống giữa hàn lâm và thực tiễn.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho rằng , giáo dục Stem là hình thức phù hợp với chủ trương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam.

Tuy nhiên, để áp dụng phương pháp mới này đòi hỏi các trường phải có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giáo viên có trình độ công nghệ thông tin và khả năng dạy tích hợp tốt. Vì vậy, việc triển khai giáo dục Stem chưa thể tiến hành đại trà ngay mà địa phương nào, cơ sở nào đủ điều kiện thì làm trước.

Theo ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đối với chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam hiện nay, việc tích hợp liên môn mới chỉ thể hiện ít nhiều ở bậc tiểu học, với bậc trung học, các môn được học khá độc lập.

Nếu nhìn từ giáo dục Stem, chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam chưa thấy sự gắn kết giữa các kiến thức, kỹ năng của các môn học tự nhiên trong nhiều tình huống và hiện tượng đời sống. Về cơ bản, các chương trình môn Toán, Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ được xây dựng theo cách tiếp cận nội dung và nội dung các môn học còn tách rời.

Nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục truyền thống hiện nay nặng về kiến thức hàn lâm mà chưa coi trọng yêu cầu hình thành và phát triển năng lực. Số đông học sinh, sinh viên Việt Nam thiếu kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng về ứng dụng cộng nghệ thông tin, ngoại ngữ và hoạt động xã hội.

Vì vậy, trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, cơ hội tiếp cận với các xu thế mới, các mô hình giáo dục mới và học hỏi kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiên tiến là cần thiết nhằm thay đổi căn bản giáo dục phổ thông tại Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục