Áp dụng linh hoạt nhiều giải pháp để bình ổn thị trường, giá cả

Bộ Công Thương sẽ kịp thời triển khai thực hiện hoặc đề xuất các giải pháp pháp điều tiết cung cầu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu người dân; không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá.
Người dân mua xăng tại một trạm bán xăng dầu. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Hai tuần trở lại đây, “bão giá” từ xăng dầu đến cọng hành, mớ rau khiến các tiểu thương và người tiêu dùng đều ngao ngán bởi thị trường giao dịch trở nên ế ẩm.

Nguyên nhân của việc tăng giá này chịu sự tác động từ nhiều phía, cả khách quan lẫn chủ quan. Do vậy, để chủ động trong điều hành thị trường, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải lường hết các khó khăn khi dự báo giá cả một số mặt hàng thiết yếu tiếp tục diễn biến phức tạp theo chiều hướng tăng.

Về phía các cơ quan chức năng cũng khẳng định sẽ bám sát diễn biến giá cả thị trường để kịp thời có giải pháp hữu hiệu góp phần bình ổn thị trường, tránh ảnh hưởng xấu tới đời sống người dân.

Áp lực từ nhiều phía

Sau kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 21/2, giá xăng RON 95 đã hơn 26.000 đồng/lít, vượt đỉnh lịch sử vào năm 2014 và xác lập kỷ lục mới khiến thị trường xăng dầu chưa thể hạ nhiệt. Đáng lưu ý, giá xăng liên tục tăng mạnh khiến giá dịch vụ, hàng thiết yếu cũng dắt tay nhau tăng vùn vụt.

Chẳng hạn như các ứng dụng Grab, ShopeeFood đều đang áp dụng thêm phí dịch vụ 2.000 đồng/đơn hàng với giải thích để giúp ứng dụng duy trì, nâng cao chất lượng dịch vụ, khích lệ tài xế.

Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải, thông thường khi giá xăng dầu tăng hoặc giảm khoảng từ 10-20%, giá cước sẽ được điều chỉnh từ 3,5-10%, tùy theo sự biến động.

Bên cạnh đó, nhiều nhà phân phối, nhà bán lẻ, đại lý bán hàng cũng đã nhận được thông báo tăng giá từ nhà sản xuất với nhiều mặt hàng thiết yếu như sữa, gạo, đồ uống, thực phẩm đồ hộp, đồ gia dụng...

Không dừng lại ở đó, qua khảo sát tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, giá rau xanh đang có xu hướng tăng gấp từ 2-3 lần so với thời điểm trước Tết. Cụ thể như rau muống có giá từ 30.000-50.000/bó; bắp cải tăng giá từ 7.000-8.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg, rau cải 30.000 đồng/bó, súp lơ xanh 50.000 đồng/kg; ngay hành lá cũng tăng từ 15.000 đồng/kg lên 70.000 đồng/kg; dưa muối tăng từ 40.000 đồng/10kg nay tăng lên 230.000 đồng/10kg, tăng hơn 5 lần giá gas công nghiệp tăng từ 1 triệu đồng lên 1,4 triệu đồng...

Theo các tiểu thương, giá rau tăng là do thời tiết lạnh giá kéo dài kèm theo sương muối trong nhiều ngày qua khiến nhiều loại rau như muống, cải chíp, cải ngồng, rau mồng tơi.. bị dập nát, úng thối, một số loại rau màu khác sinh trưởng chậm, thậm chí nhiều diện tích rau màu bị thiệt hại không sinh trưởng được.

Một số tiểu thương bán hàng lâu năm chia sẻ, thời tiết đang chuyển dần từ giá rét sang nhiệt độ vừa phải, do vậy giá các loại rau xanh chưa thể “hạ nhiệt” ngay và sẽ tăng tiếp tục khoảng 1-2 tuần tới trước khi bình ổn giá trở lại.

[TP.HCM: Lo ngại giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng theo xăng]

Nhận định về diễn biến biến giá cả hàng hóa trong nước, đại diện Bộ Công Thương cho hay trong 2 tháng đầu năm, do có thời gian trùng với các dịp lễ lớn trong năm như Tết Nguyên Đán, lễ Rằm tháng Giêng nên nhu cầu thực phẩm tăng giá tại một số mặt hàng thuộc nhóm lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, ngay sau đó, hầu hết giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã quay trở lại mức bình thường.

Giá một số mặt hàng rau, củ tăng nhẹ do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại và mưa nhiều tại một số tỉnh phía Bắc. Riêng giá một số mặt hàng rau gia vị như hành, thì là… hoặc giá một số loại rau củ cuối vụ súp lơ, su hào giá tăng nhưng không tăng đột biến do nguồn cung giảm.

Ngoài ra, giá một số loại rau củ, hoa quả được cho là có tác dụng phòng chống dịch bệnh COVID-19 gồm gừng, xả, tía tô, cam sành… cũng tăng cao hơn so với ngày thường do tình hình số ca nhiễm tại các tỉnh tăng mạnh và diễn biến phức tạp, nhu cầu tăng.

Đáng lưu ý, nhóm mặt hàng năng lượng, nhiên liệu cũng có xu hướng có tăng theo xu hướng giá thế giới. Giá xăng dầu các loại đến kỳ điều hành ngày 21/2/2022 so với kỳ điều hành ngày 11/1/2022 tăng từ 1.570-2.562 đồng/lít/kg tùy loại xăng dầu, tương đương tăng từ 9,59-14,04%.

Nhiều giải pháp căn cơ

Đánh giá về thị trường hiện nay, một số chuyên gia kinh tế cho rằng giá các hàng hóa, nguyên vật liệu chiến lược tăng mạnh chủ yếu do sự phục hồi kinh tế tại nhiều quốc gia kéo theo nhu cầu tiêu dùng, đầu tư tăng trong khi nguồn cung ứng bị đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục.

Hơn nữa, chỉ số giá hàng hóa cơ bản đầu năm 2022 đều tăng cao hơn so với mức trước đại dịch, trong đó nhiều nhóm hàng tăng mạnh như năng lượng, thép công nghiệp, kim loại quý, sản phẩm nông nghiệp.

Đáng lưu ý, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nhất là trước căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine, trong khi dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.

Giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng lên gần 100 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2014, giá dầu thô WTI là 91,63 USD/thùng, dầu Brent là 96,50 USD/thùng (ngày 22/2/2022) và tiếp tục được các chuyên gia phân tích thị trường dự báo có thể tăng vượt ngưỡng 100 USD/thùng trong năm nay.

Bên cạnh đó, áp lực lạm phát tăng cao tại nhiều nước; trong đó có cả những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu.

Người dân thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) mua kit test nhanh và các loại thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19.(Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Trong bối cảnh ấy, 2 tháng đầu năm trùng vào Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán nên biến động tăng, đó là chưa kể đến mặt bằng giá cả trong nước phải chịu áp lực bởi biến động tăng giá các mặt hàng năng lượng trên thị trường thế giới; trong đó, có mặt hàng xăng dầu và gas.

Đặc biệt, một số mặt hàng phòng chống dịch như kit-test xét nghiệm COVID-19 tăng giá do nhu cầu mua tích trữ và sử dụng tăng sau Tết khi người dân quay trở lại làm việc, du lịch, lễ hội và học sinh, sinh viên quay trở lại trường học, số ca nhiễm bệnh tăng cao…

Ở chiều ngược lại, giá bán nhiều hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh giảm do tác động giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/2/2022 theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ góp phần giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá.

Hơn nữa, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân nên giá cả chỉ nhích tăng nhẹ trước và trong tết, sau đó dần trở lại bình thường.

Nhằm góp phần bình ổn thị trường, theo đại diện Bộ Công Thương khẳng định tiếp tục chủ động, linh hoạt thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19."

Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường, kịp thời triển khai thực hiện hoặc đề xuất các giải pháp pháp điều tiết cung cầu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu người dân; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Đối với mặt hàng xăng dầu, do tình hình địa chính trị bất ổn, nguồn cung khan hiếm, sự phục hồi kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới đã ảnh hưởng lớn đến giá xăng dầu thế giới.

Vì vậy, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Việc này nhằm bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng linh hoạt, hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân, đảm bảo thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế của Chính phủ.

Theo Bộ Công Thương, nếu diễn biến giá xăng dầu quá cao, quá phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, tác động làm vô hiệu hoá một số công cụ, chính sách phục vụ cho vấn đề phục hồi tổng thể nền kinh tế, trong bối cảnh công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu có hạn, cần sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương tổ chức họp Tổ điều hành thị trường trong nước theo định kỳ nhằm đưa ra các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu bình ổn thị trường, tháo gỡ khó khăn cho các ngành hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu.

Bên cạnh đó, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường.

Đặc biệt, chủ động đẩy mạnh cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình giá cả thị trường, các điểm bán hàng bình ổn, tình hình nguồn cung, dịch bệnh... để tạo tâm lý ổn định cũng như xử lý kịp thời thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục