Áp dụng công nghệ để giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần phải áp dụng các biện pháp công nghệ mới để giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp...
Áp dụng công nghệ để giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp ảnh 1Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp là việc làm cấp bách. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Trao đổi với báo chí Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, hiện nay, nhiều loại phí của chúng ta cao hơn các nước khu vực và thế giới. Vì vậy nỗ lực giảm phí chính thức và không chính thức cần phải làm ngay.

Vị đại biểu này cũng cho rằng, cần phải áp dụng các biện pháp công nghệ mới để giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp...

- Thưa đại biểu, có nhiều ý kiến lo ngại trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu GDP 6,7% trong năm 2017 là khó hoàn thành. Theo ông, cần có giải pháp gì để đẩy mạnh tăng trưởng GDP bền vững?

Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Tôi nghĩ các biện pháp căn bản để thúc đẩy GDP bền vững là cải cách thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thông các nguồn vốn trong dân và tạo điều kiện để có sự cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế. Tăng trưởng GDP trên cơ sở phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp và đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân thì mới đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Tất nhiên GDP sẽ liên quan tới công ăn việc làm, nợ công và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Các nỗ lực của chúng ta để tăng trưởng mạnh mẽ GDP là cần thiết. Tuy nhiên, sự tăng trưởng phải trên cơ sở nền tảng dài hạn mà đó chính là thể chế.

[Thủ tướng: Bảo đảm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%]

Trước mắt, khi chúng ta đặt yêu cầu phải tái cấu trúc nền kinh tế, nhấn mạnh đến yêu cầu tăng trưởng có hiệu quả và nâng cao chất lượng tăng trưởng thì trong một giai đoạn nhất định sẽ chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng. Tuy nhiên, chúng ta sẽ tạo lập nền tảng để có những bước tăng trưởng cao và bền vững trong những năm tới và đó là giá phải trả cho những khó khăn đã tích tụ nhiều năm trong nền kinh tế nước ta.

- Tại Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo ông, đâu là giải pháp tốt nhất để tăng trưởng GDP từ nay tới cuối năm?

Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Tinh thần của cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vừa qua cũng như trình ra Quốc hội là cải cách thể chế, thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế tư nhân. Tôi nghĩ việc dồn toàn lực của Chính phủ sẽ giúp cải cách thể chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh theo hướng hiệu quả hơn.

Cùng lúc, chúng ta phải thực hiện các giải pháp: Tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh nguồn vốn đầu tư công cũng như đưa các dự án lớn đi vào hoạt động. Song, giải pháp căn cơ lâu dài vẫn là mặt cải cách thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu trở thành nền kinh tế có môi trường kinh doanh thuận lợi trong ASEAN. Trên cơ sở đạt được mục tiêu cải thiện môi trường kinh doạnh thì các nguồn lực sẽ được khơi thông và chúng ta sẽ có thêm đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy phát triển.

Các mục tiêu phát triển trong và ngoài năm nay phải đặt trên lộ trình tạo lập nền tảng phát triển trong tương lai.

- Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, lãnh đạo Chính phủ cho hay, một trong những hành động tiếp theo là sẽ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Việc này sẽ có ý nghĩa thế nào, thưa ông?​

 

Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Hiện nay, nhiều loại phí của chúng ta cao hơn các nước khu vực và thế giới. Vì vậy nỗ lực trong việc giảm phí chính thức và không chính thức là biện pháp cấp bách phải làm ngay. Cùng lúc, các biện pháp dài hạn là cải thiện môi trường kinh doanh sẽ giúp duy trì tăng trưởng đồng thời tạo lập nền tảng phát triển cao hơn trong thời gian tới.

- Theo ông thì loại phí nào cần giảm ngay?

Ông Vũ Tiến Lộc: Theo ý kiến các doanh nghiệp, cần phải giảm một số thủ tục hành chính, chi phí về cơ sở hạ tầng, logistics… Tôi nghĩ biện pháp giảm chi phí trong hệ thống ngân hàng, giảm lãi suất là rất quan trọng. Muốn giảm lãi suất thì phải xử lý nợ xấu và đây đang là là thách thức rất lớn. Hiện, Quốc hội, Chính phủ đang bàn bạc để giải quyết căn bản hơn vấn đề này và khi đã giải quyết được sẽ mở đường cho ngân hàng giảm lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, các chi phí về lao động, tăng tiền lương tối thiểu cũng phải duy trì thế nào để phù hợp sức chịu đựng của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Rồi, các chi phí về bảo hiểm xã hội cũng phải tính toán lại khi chi phí bảo hiểm xã hội của chúng ta vẫn thuộc loại cao trên thế giới...

[Sử dụng đòn bẩy của đầu tư công để tạo ra tốc độ tăng trưởng]

Áp dụng công nghệ để giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp ảnh 2Dây chuyền sản xuất giày xuất khẩu. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

- Có một loại phí mà doanh nghiệp rất sợ là “phí bôi trơn.” Cái này giải quyết thế nào?

Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Muốn giải quyết được vấn đề phí bôi trơn thì căn cơ nhất là phải tạo môi trường kinh doanh minh bạch, các quy định pháp luật phải đơn giản, rõ ràng, mach lạc, không tạo nhiều cách hiểu khác nhau. Cần đưa công nghệ quản lý mới, mô hình quản lý mới vào để giúp giảm chi phí không chính thức.

Ví dụ, Chính phủ đề ra yêu cầu hoàn thiện mô hình trung tâm dịch vụ hành chính công tới cấp tỉnh, huyện. Khi thực hiện mô hình hành chính công như vậy tất cả các dịch vụ sẽ tập trung tại một điểm, được giải quyết trên mạng điện tử và dưới sự giám sát minh bạch.

Việc thực hiện mọi thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp qua mạng điện tử sẽ tránh tiếp xúc trực tiếp. Điều này sẽ đảm bảo minh bạch, tiết kiệm thời gian, giảm tham nhũng…

Tôi nghĩ bên cạnh việc cải thiện môi trường chính sách, thể chế thì việc áp dụng các biện pháp công nghệ mới sẽ giúp giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cần tăng cường đối thoại, tương tác giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý thông qua nhiều hình thức.

- Xin cảm ơn đại biểu!

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần tạo lập nền tảng để có những bước tăng trưởng GDP cao và bền vững trong những năm tới.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục