Áp dụng chuẩn đa chiều để giảm nghèo ngày càng thực chất và bền vững

Trong giai đoạn 2021-2025, chính sách về giảm nghèo có thay đổi rất lớn so với giai đoạn trước. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã xác định giảm nghèo phải thực chất.
(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Trong 10 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm đầy ấn tượng. Tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc gia thu nhập trung bình thấp của Ngân hàng Thế giới (WB) giảm từ 16,8% xuống còn 5% với trên 10 triệu người thoát nghèo. Bước sang giai đoạn mới, Việt Nam tiếp tục điều chỉnh chuẩn nghèo với các tiêu chí cao hơn và đa chiều tiếp cận để đạt được mục tiêu kết quả giảm nghèo bền vững.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Tô Đức, Chánh Văn phòng giảm nghèo quốc gia (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) để hiểu rõ hơn về các chính sách giảm nghèo trong giai đoạn mới.

Lần đầu tiên áp dụng chuẩn nghèo đa chiều

- Xin ông cho biết, chuẩn nghèo trong giai đoạn mới sẽ được áp dụng như thế nào?

Ông Tô Đức: Năm 2022 là năm đầu tiên Việt Nam áp dụng đầy đủ, toàn diện chuẩn nghèo đa chiều. Trước đây, chúng ta mới chỉ áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, tức là trong hộ nghèo đã có hai nhóm được xác định: Một là nhóm dưới chuẩn thu nhập, hai là nhóm vừa dưới chuẩn thu nhập vừa thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.

Bên cạnh việc áp dụng đầy đủ toàn diện chuẩn nghèo đa chiều, chúng ta còn lần đầu tiên xác định chuẩn thu nhập là mức sống tối thiểu của người dân tính bình quân cả nước. Theo Tổng cục thống kê công bố, khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/tháng và khu vực thành thị là 2 triệu đồng/tháng. Không phải nhiều quốc gia trên thế giới có thể áp dụng theo chuẩn về thu nhập theo chuẩn mức sống tối thiểu. Đây là bước tiến mà Chính phủ Việt Nam đã hết sức nỗ lực trong xây dựng chính sách giảm nghèo.

Ngoài quy định về chuẩn mức sống tối thiểu khu vực nông thôn hay thành thị là thiếu hụt chính, chúng ta còn có tiêu chí thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản đa chiều gồm: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông tin.

Khi mà chúng ta nói đến cái hộ nghèo của giai đoạn từ năm 2022 thì chúng ta xác định đây là hộ nghèo đa chiều chứ không còn đơn thuần nghèo và thiếu hụt thu nhập nữa. Từ đó, các chính sách giảm nghèo sẽ được xây dựng tuỳ theo mức độ thiếu hụt thu nhập, dịch vụ xã hội cơ bản khác nhau của từng hộ nghèo, từng địa phương.

Thưa ông, hiện nay một số địa phương đã ban hành chuẩn nghèo cao hơn chuẩn quốc gia, điều này sẽ có sự khác biệt gì về chính sách giảm nghèo giữa các địa phương?

Ông Tô Đức: Chính phủ đã quy định đối với những tỉnh, thành phố, đặc biệt là địa phương có khả năng tự cân đối ngân sách thì nên ban hành chuẩn riêng bởi vì mức sống tối thiểu mỗi địa phương, khu vực sẽ có sự khác nhau.

Ví dụ như ở những tỉnh miền núi phía bắc như là Cao Bằng, Bắc Kạn... lại có mức sống tối thiểu khác của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng. Vì vậy, chúng ta khuyến khích những tỉnh thành phố tự cân đối ngân sách thì ban hành chuẩn riêng. Đến nay, một số tỉnh, thành phố đã ban hành chuẩn nghèo riêng như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... và một số địa phương khác cũng đang nghiên cứu để ban hành những chuẩn nghèo riêng.

Việc các tỉnh ban hành chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quốc gia các chính sách giảm nghèo cũng được xây dựng, triển khai sát với tình hình thực tế của địa phương hơn. Bên cạnh đó, đối tượng được hưởng chính sách giảm nghèo của địa phương cũng được mở rộng hơn chuẩn quốc gia.

Áp dụng chuẩn đa chiều để giảm nghèo ngày càng thực chất và bền vững ảnh 1Ông Tô Đức, Chánh Văn phòng giảm nghèo quốc gia (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chuẩn nghèo chung, chuẩn nghèo quốc gia áp dụng cho cả nước để làm cơ sở để xác định đối tượng và thực hiện những cái chính sách chung của quốc gia. Còn chuẩn nghèo các địa phương sẽ được bảo đảm thực hiện bằng nguồn ngân sách của địa phương và áp dụng thực hiện những cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương đối với người nghèo.

Giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững

 - Thưa ông, cùng với sự thay đổi về chuẩn nghèo, các chính sách giảm nghèo trong giai đoạn mới sẽ được thực hiện như thế nào?

Ông Tô Đức: Trong giai đoạn 2021-2025, những cơ chế chính sách về giảm nghèo có thay đổi rất lớn so với giai đoạn trước. Ngay trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định rất rõ là chúng ta phải giảm nghèo thực chất.

Các chương trình, các cơ chế, các chính sách, phương thức để hỗ trợ người nghèo, để giúp cho người nghèo được xây dựng với mục tiêu thoát nghèo một cách bền vững. Đặc biệt, các giải pháp giảm nghèo phải tập trung triển khai đồng bộ đảm bảo 3 yếu tố: Đa chiều, bao trùm và bền vững.

Giảm nghèo đa chiều là tập trung giải quyết các chiều thiếu hụt của người nghèo bao gồm thiếu hụt về thu nhập và sáu chiều dịch vụ xã hội cơ bản theo nghị định của Chính phủ đã quy định.

Bên cạnh đó, chúng ta tập trung giảm nghèo bao trùm. Đó là hướng tới giải quyết vấn đề nghèo đói cho mọi người, mọi đối tượng, mọi nơi, mọi thời điểm, mọi chiều thiếu hụt. Cứ ở đâu có người nghèo là có các cơ chế chính sách hướng tới giảm nghèo, không để ai bị bỏ phía sau, không để lọt đối tượng.

[Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực an sinh xã hội, giảm nghèo]

Thứ ba là giảm nghèo bền vững, nghĩa là chúng ta sẽ giúp cho người nghèo thoát nghèo một cách bền vững. Không phải để người nghèo thoát chuẩn nghèo hôm nay nhưng mà ngày mai khi gặp dịch bệnh, thiên tai, những lý do bất khả kháng thì quay lại trở lại nghèo. Thực sự người nghèo phải thoát nghèo, có thể vươn lên, xây dựng một cuộc sống ấm no, xây dựng sinh kế, việc làm và thu nhập bền vững.

Các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện trong giai đoạn này gồm: Xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và xóa đói giảm nghèo bền vững. Làm thế nào để không chồng chéo đối tượng, chính sách và lãng phí nguồn lực trong việc thực hiện triển khai các chương trình này, thưa ông?

Ông Tô Đức: Điều đầu tiên phải khẳng định rằng là ba chương trình tiếp cận góc độ khác nhau. Thứ nhất là chương trình giảm nghèo tiếp cận theo đối tượng, cứ ở đâu có người nghèo thì cơ chế chính sách giảm nghèo đều tìm đến, dù người nghèo ở đâu ở thành phố, ở nông thôn hay ở vùng sâu vùng xa, người dân tộc thiểu số hay người Kinh.

Còn đối với chương trình dân tộc thiểu số miền núi thì là đây là chương trình tiếp cận theo địa bàn, tức là những địa bàn đặc biệt khó khă, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao. Chương trình nông thôn mới cũng tiếp cận theo địa bàn nhưng theo hướng tập trung xây dựng các tiêu chí phát triển văn hoá, kinh tế, xã hội… 

Như vậy, đối với một chương trình tiếp cận theo đối tượng, hai chương trình tiếp cận theo địa bàn, làm sao để các chính sách bảo đảm là không trùng lắp? Hiện nay, địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, nông thôn mới… Chính phủ đều đã có ban hành quyết định. Việc phân bổ nguồn lực đầu tư, chính sách hỗ trợ cũng áp dung theo nguyên tắc đã đầu tư từ nguồn lực chương trình này thì không đầu tư từ chương trình khác.

Nếu cùng một chính sách hỗ trợ cho hộ dân vừa người dân tộc thiểu số, vừa là hộ nghèo thì sẽ chọn hỗ trợ cao nhất của một trong hai chương trình, nếu đã hưởng chính sách danh tộc thiểu số thì không hưởng của hộ nghèo và ngược lại. Ví dụ nếu đã hưởng chính sách hỗ trợ học nghề của chương trình dân tộc thiểu số thì sẽ không hưởng của hộ nghèo.

Việc thực hiện không trùng đối tượng này hoàn toàn làm được vì từ Chính phủ, tỉnh đến huyện, xã đều chỉ có một ban chỉ đạo chung của cả ba chương trình. Việc lập danh sách, đối tượng nhận hỗ trợ đều do ban chỉ đạo chung của cấp xã, cấp huyện lập dự toán đối tượng, kinh phí hỗ trợ và có thể đảm bảo không trùng lắp. Nếu địa phương nào lập danh sách một đối tượng mà lại nhận cùng một chế độ của cả hai chương trình thì là vi phạm quy định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục