Áo thông qua gói biện pháp nhằm hạn chế dòng người tị nạn

Áo sẽ cân nhắc cấp quy chế "tị nạn có thời hạn" và được áp dụng cả đối với các trường hợp đoàn tụ gia đình, theo đó trong tương lai, người tị nạn ở Áo sẽ chỉ được bảo vệ tối đa 3 năm.
Áo thông qua gói biện pháp nhằm hạn chế dòng người tị nạn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: ibtimes.co.uk)

Nội các Áo ngày 3/11 đã thông qua gói biện pháp nhằm hạn chế dòng người tị nạn quá đông đối với quốc gia chỉ có khoảng 8,5 triệu dân này.

Trong số các biện pháp vừa được thông qua, Áo sẽ cân nhắc cấp quy chế "tị nạn có thời hạn" và được áp dụng cả đối với các trường hợp đoàn tụ gia đình, theo đó trong tương lai, người tị nạn ở Áo sẽ chỉ được bảo vệ tối đa 3 năm.

Sau thời hạn này, thị thực lưu trú của họ sẽ tự động hết hiệu lực và các đơn xin tị nạn sẽ được kiểm tra lại xem thời điểm đó người tị nạn còn cần bảo vệ hay không. Trong trường hợp không còn lý do cần bảo vệ, người tị nạn sẽ phải hồi hương.

Cho tới nay, người tị nạn ở Áo về cơ bản được đảm bảo quyền lưu trú dài hạn và việc kiểm tra lại các lý do tị nạn không theo hệ thống. Tương tự, các trường hợp đoàn tụ gia đình với những người nhập cư chưa được hưởng quy chế tị nạn sẽ được kéo dài thời gian lên 3 năm thay vì 1 năm như hiện nay.

Với các trường hợp này, công dân một nước thứ ba hoặc người không quốc tịch chỉ có thể xin đoàn tụ với gia đình khi họ chứng minh có sơ sở về việc bị đe dọa nghiêm trọng ở quê hương.

Các biện pháp mới nêu trên được Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner thuộc Đảng Nhân dân Áo (OVP) đề xuất và đã nhận được sự chấp thuận của đối tác liên minh là đảng Dân chủ Xã hội Áo (SPÖ).

Theo Thủ tướng Áo Werner Faymann, các biện pháp mới tuy không lập tức giúp giảm số người tị nạn hiện nay, song đây là tín hiệu cho thấy việc tị nạn ở Áo sẽ được siết chặt và bị hạn chế.

Theo kế hoạch, sau khi được Quốc hội Áo thông qua, gói biện pháp này sẽ có hiệu lực từ 15/11. Trong năm nay, Chính phủ Áo dự kiến sẽ đón nhận khoảng 85.000 người tị nạn, tương đương 1% dân số nước này. Riêng trong tháng 9/2015 đã có khoảng 400.000 người tị nạn từ Áo vào Đức.

Phản ứng trước các quy định mới, phe đối lập và các tổ chức nhân quyền đã lên tiếng kịch liệt chỉ trích, cho rằng những biện pháp mới là không có tác dụng, gây chia tách gia đình và cản trở việc hội nhập của người tị nạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục