Ngày 22/2, Chính phủ Áo đệ đơn lên Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) phản đối việc Liên minh châu Âu (EU) thông qua kế hoạch mở rộng một nhà máy điện hạt nhân tại quốc gia láng giềng Hungary.
Tuyên bố của Bộ trưởng Du lịch, Nông nghiệp và Bền vững Elisabeth Koestinger cho biết quyết định phát đơn kiện được đưa ra sau khi Chính phủ Áo cân nhắc tới các tác động của dự án trên đối với môi trường, thiên nhiên và cảnh quan.
Bà Koestinger nhấn mạnh quan điểm của Áo là năng lượng hạt nhân "không được phép có chỗ tại châu Âu," đồng thời khẳng định Áo sẽ không thay đổi lập trường này.
Hồi tháng 3/2017, Ủy ban châu Âu thông qua kế hoạch mở rộng nhà máy hạt nhân Paks bằng khoản đầu tư cho vay trị giá 10 tỷ euro (12,4 tỷ USD) từ Nga.
Nhà máy này nằm cách thủ đô Budapest 130km và là cơ sở điện hạt nhân duy nhất của Hungary, cung cấp khoảng 40% nhu cầu điện quốc gia.
Dự án nâng cấp, do Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Rosatom của Nga tiến hành, dự kiến sẽ bổ sung thêm 2 lò phản ứng mới và giúp tăng gấp đôi công suất của Paks.
Áo vẫn duy trì chính sách phản đối hạt nhân từ cuối những năm 1970 do cho rằng năng lượng nguyên tử là không bền vững và rủi ro cao.
Năm 2015, chính quyền Vienna cũng đệ đơn phản đối việc EU thông qua dự án nhà máy hạt nhân Hinkley Point C của Anh./.