"Đẹp biết bao, quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu
Dù ở đâu... Paris, London hay ở những miền xa
Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố
Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó"...
Những câu ca trong bài "Một thoáng quê hương" của Nhạc sỹ Từ Huy-Thanh Tùng chất chứa niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước của mỗi người con đất Việt.
Dù có đi xa bất cứ nơi đâu, mỗi khi bắt gặp nét tha thướt tà áo dài, họ như thấy quê hương Việt trong lòng mình ở đó.
Không chỉ với người Việt, mà với nhiều khách quốc tế, hễ nhìn thấy áo dài, là nhớ ngay đến con người, văn hóa Việt Nam… Trang phục áo dài, văn hóa mặc áo dài đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc - là di sản văn hóa của Việt Nam.
Từ bao đời nay, áo dài luôn được coi là trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Chiếc áo dài đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt, là hiện thân của dân tộc, là biểu tượng của vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam.
Tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam
Năm nào cũng vậy, hễ đến ngày Tết, chị Ngọc Minh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại cùng các con gái của mình lựa chọn những bộ áo dài đẹp, rực rỡ nhất mặc đi chúc Tết. Đây là truyền thống của gia đình chị từ nhiều năm nay. Từ đời ông bà, cha mẹ và giờ là đến chị và các con.
“Các con của tôi tuy còn nhỏ nhưng rất thích mặc áo dài. Năm nào, tôi cũng mua áo mới cho bọn trẻ. Chúng rất vui khi được diện áo dài đẹp đi chơi Tết....”
[Áo dài Việt Nam xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể]
Không chỉ mặc áo dài vào dịp lễ, Tết, chị Thu Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) còn mặc áo dài đi làm hàng ngày. Chị công tác trong ngành Ngân hàng, do đặc thù phải thường xuyên giao tiếp với khách hàng, cơ quan quy định mọi cán bộ nhân viên mặc đồng phục, nam mặc âu phục, nữ mặc áo dài.
“Dù là quy định bắt buộc nhưng mọi người đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi chấp hành. Không chỉ mặc đi làm, khi đi đám cưới, vào dịp lễ, Tết, tôi đều lựa chọn mặc áo dài, vì tôi áo dài Việt Nam rất đẹp, tôn vinh nét đẹp của văn hóa Việt Nam,” chị Thu Hà bày tỏ.
Có thể nói, văn hóa mặc áo dài đang ngày càng trở thành thói quen của nhiều phụ nữ Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Áo dài đang ngày càng xuất hiện nhiều trong đời sống của người dân, là trang phục được phụ nữ lựa chọn mặc trong những ngày lễ Tết, dịp kỷ niệm quan trọng, trong công sở, trường học…
Ở hầu hết các cuộc thi người đẹp của Việt Nam, trang phục áo dài luôn là một phần thi bắt buộc. Các hoa hậu Việt Nam khi tham gia thi nhan sắc quốc tế, đều chọn áo dài là trang phục dân tộc để trình diễn, bởi khó có thể tìm được bộ trang phục nào thể hiện tốt nhất bản sắc văn hóa Việt Nam như áo dài.
Không chỉ trong các cuộc thi người đẹp, vẻ đẹp của áo dài, văn hóa mặc áo dài… còn được tôn vinh trong nhiều lễ hội hiện đại lớn.
Tại Hà Nội, công chúng nhớ đến Lễ hội Áo dài “Hương sắc Hà Nội” (năm 2014) tại Văn Miếu -Quốc Tử Giám với 250 bộ áo dài của các nhà thiết kế nổi tiếng Hà Nội.
Festival Áo dài Hà Nội (năm 2016) với chủ đề “Tinh hoa Áo dài Việt Nam” tại Khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long giới thiệu đến công chúng hình ảnh và tư liệu về quá trình phát triển của áo dài cũng như bộ sưu tập áo dài đặc sắc của các nhà thiết kế nổi tiếng như La Hằng, Trịnh Bích Thủy, Cao Minh Tiến, Hà Duy, Nhi Hoàng, Đức Hải, Thanh Thúy…
Các kỳ Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế… đều có Lễ hội áo dài - chương trình đậm chất văn hóa Huế, góp phần làm phong phú và đa dạng chương trình lễ hội cũng như sự thành công của sự kiện văn hóa nghệ thuật đặc biệt này.
Tính đến nay, trải qua hàng chục kỳ Festival Huế, các Lễ hội áo dài với chủ đề khác nhau đã mang đến cho du khách thập phương những trải nghiệm tuyệt vời tại mảnh đất cố đô giàu văn hoá này.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Lễ hội áo dài được tổ chức lần đầu năm 2014, đến nay đã trở thành sự kiện có quy mô lớn, ngày càng được nâng tầm về quy mô, nội dung, hình thức và trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo của Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút hàng nghìn người tham gia.
Lễ hội áo dài Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần tôn vinh, khẳng định nhiều giá trị tinh hoa của áo dài Việt Nam, nâng tầm giá trị và nét đặc sắc của trang phục này lên một tầm cao mới.
Nguồn cảm hứng cho văn nghệ sỹ
Không chỉ hiện hữu trong đời sống, từ xưa đến nay, vẻ đẹp của áo dài luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sỹ Việt Nam. Hình tượng áo dài đã xuất hiện rất nhiều trong thi ca, phim ảnh, hội họa… Một không gian văn hóa mà áo dài hiện diện nhiều nhất, có tính phổ quát nhất là thi ca. Rất nhiều nhà thơ, nhạc sỹ đã lấy hình tượng chiếc áo dài làm chất liệu sáng tác.
Nhạc sỹ Từ Huy-Thanh Tùng trong bài "Một thoáng quê hương" đã viết: "Đẹp xiết bao, quê hương cho ta chiếc áo nhiệm mầu/ Dù ở đâu, Paris, London hay ở những miền xa/ Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó... em ơi."
Hay như trong bài "Áo dài ơi," nhạc sỹ Sỹ Luân đã “vẽ” hình ảnh chiếc áo dài qua sự vui tươi của các cô gái đô thị: “Có chiếc áo dài tung tăng trên đường phố/ Những lúc buồn vui vu vơ nào đó/ Áo dài vui, áo dài hát, bao nắng Xuân mang về khắp nơi/Áo dài nói, áo dài cười, mang hạnh phúc đến cho mọi người”…
Không chỉ trong thi ca, áo dài Việt Nam còn là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều họa sỹ nổi tiếng ở Việt Nam. Tiêu biểu như Họa sỹ Tô Ngọc Vân với "Thiếu nữ bên hoa huệ," "Hai thiếu nữ và em bé"; Họa sỹ Nguyễn Gia Trí với "Vườn xuân Trung Nam Bắc," "Thiếu nữ bên hoa phù dung"; Họa sỹ Dương Bích Liên với tác phẩm "Cô Mai"; Họa sỹ Lê Phổ với "Hoài cố hương"…
Với những giá trị văn hóa độc đáo, áo dài Việt Nam còn làm “siêu lòng” các đạo diễn, nhà sản xuất điện ảnh những năm gần đây.
Có thể nhắc đến hai tác phẩm điện ảnh điển hình về áo dài là phim "Cô Ba Sài Gòn" (năm 2017).
Bộ phim xoay quanh câu chuyện trong gia đình sở hữu thương hiệu “Nhà may Thanh Nữ” - nhà may áo dài nổi tiếng nhất Sài Gòn giai đoạn cuối thập niên 60 của thế kỷ XX.
Bộ phim giúp khán giả có thêm hiểu biết về những thăng trầm của tiệm may áo dài nổi tiếng ở Sài Gòn.
Hay bộ phim ngắn "Lý áo dài" ra mắt công chúng năm 2018, trong bộ phim này, hình ảnh chiếc áo dài truyền thống được đạo diễn khai thác xuyên suốt mạch phim. Hầu hết các tình tiết, xung đột, cao trào, thắt nút, mở nút chính của phim đều liên quan đến chiếc áo dài.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, áo dài gắn bó với đời sống của người Việt Nam, là biểu tượng, hồn cốt của người phụ nữ Việt. Nét đặc trưng của áo dài được thể hiện ở tính phổ cập trong đời sống xã hội, trong các tầng lớp nhân dân. Áo dài Việt Nam có thể sử dụng cả với tư cách lễ phục và thường phục.
Người dân có thể mặc áo dài trong nhiều không gian, thời gian, sự kiện khác nhau: đi học, đi làm, đi chơi, đi chùa, đi lễ nhà thờ, dự tiệc hay vào các dịp lễ Tết, sự kiện văn hóa-xã hội quan trọng. Điều đó thể hiện tính linh hoạt, năng động, dễ hội nhập của áo dài Việt Nam trong đời sống đương đại.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn cho rằng áo dài Việt Nam không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, nó còn chứa đựng cả một bề dầy lịch sử, truyền thống văn hóa, tính triết lý và quan niệm thẩm mỹ nghệ thuật, ý thức, tinh thần dân tộc của người Việt Nam.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, áo dài ngày càng khẳng định là bộ trang phục đại diện cho sắc phục của người Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo và cách tân cho phù hợp với nhu cầu sử dụng trong xã hội hiện đại.
Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn khẳng định dù nhà nước Việt Nam chưa ra một văn bản luật chính thức nào khẳng định áo dài là “quốc phục” Việt Nam, nhưng từ lâu nay, nó đã được đa số nhân dân mặc định là “áo dài dân tộc” hay “trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam”./.