Áo cam kết cấp 50 triệu USD cho tổn thất, thiệt hại liên quan khí hậu

Các nước dễ bị tổn thương nhất ở Nam Bán cầu đang đặc biệt phải chịu đựng hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng khí hậu và đang đòi hỏi chính đáng sự hỗ trợ nhiều hơn từ nước công nghiệp phát triển.
Ngập lụt do ảnh hưởng của bão Nalgae tại thị trấn Kawit, tỉnh Cavite, Philippines ngày 30/10. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Bộ Khí hậu Áo ngày 8/11 thông báo nước này sẽ cung cấp 50 triệu euro trong 4 năm tới để giúp các nước đang phát triển đối phó với những tổn thất và thiệt hại khó tránh khỏi do biến đổi khí hậu.

Cam kết của Áo đã đưa nước này vào nhóm nhỏ các nước châu Âu đề xuất hỗ trợ tài chính cho mục đích tương tự.

Theo bộ trên, khoản tiền này có thể hỗ trợ “Mạng lưới Santiago," một cơ chế của Liên hợp quốc nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phải đối mặt với những thiệt hại do thảm họa thiên nhiên liên quan đến khí hậu, và một chương trình cung cấp các hệ thống cảnh báo sớm cho các quốc gia thường xuyên phải chịu đựng điều kiện khí hậu cực đoan.

Bộ trưởng Khí hậu Áo, bà Leonore Gewessler cho biết: “Các nước dễ bị tổn thương nhất ở Nam Bán cầu đang đặc biệt phải chịu đựng hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng khí hậu và đang đòi hỏi chính đáng sự hỗ trợ nhiều hơn từ các nước công nghiệp phát triển." Bà cho biết thêm: “Áo sẽ bổ sung 10 triệu euro vào ngân sách năm nay dành cho tài chính khí hậu," đồng thời nhấn mạnh “Áo sẽ chịu trách nhiệm."

Đền bù liên quan đến thời tiết cực đoan và nóng lên toàn cầu là một trọng tâm trong chương trình nghị sự tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), đang diễn ra tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập.

[Các nước đang phát triển cần 2.400 tỷ USD tài chính khí hậu mỗi năm]

Dưới sức ép của các nước đang phát triển, các nước tham gia hội nghị đã nhất trí tổ chức các cuộc đàm phán chính thức đầu tiên về các tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu, ghi lại những cam kết mà các nước giàu thải nhiều khí sẽ chi cho các nước nghèo hơn đang phải đối mặt với những thiệt hại không tránh khỏi do lũ lụt, hạn hán tồi tệ và tình trạng nước biển dâng.

Ngoài Áo, hiện có 4 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Bỉ, Đan Mạch, Đức và Scotland (Anh) đã đưa ra những cam kết nhỏ, trong khi các nước giàu có khác phản đối khoản chi này vì lo ngại những nghĩa vụ pháp lý đặt ra đối với việc họ góp phần lớn gây ra biến đổi khí hậu. Đến nay, tổng lượng tiền cam kết quá thấp so với hàng tỷ USD thiệt hại mà các nước dễ bị tổn thương đã phải chịu đựng do những trận lũ lụt, đợt hạn hán và bão lũ cực đoan.

Theo thống kê, bão Idai đã gây thiệt hại tổng cộng 1,4 tỷ USD và tổn thất 1,39 tỷ USD khi đổ bộ vào Mozambique vào năm 2019. Một số nghiên cứu cho thấy đến năm 2030, mức thiệt hại liên quan đến khí hậu mà các nước dễ bị tổn thương phải đối mặt có thể lên tới 580 tỷ USD/năm.

Các nước đang phát triển mong muốn hội nghị COP27 nhất trí khởi động một cơ sở gây quỹ dành riêng cho những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Mỹ và 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) trước đó phản đối ý tưởng này.

Ông Saleemul Huq, một cố vấn của Diễn đàn các nước dễ bị tổn thương vì khí hậu (CVF) gồm 58 quốc gia, đã hoan nghênh cam kết của Áo, bày tỏ hy vọng Áo và các nước khác sẽ ủng hộ một thỏa thuận tại COP27 về lập quỹ bù đắp những thiệt hại và tổn thất do biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục