Không còn có sự phân biệt cảng Antwerp hay Zeebrugge nữa, mà hiện chỉ còn “cảng Antwerp-Bruges” - hay đơn giản hơn là Cảng Anvers-Bruges. Kể từ cuộc họp chung bất thường ngày 22/4 vừa qua, hai cảng lớn nhất của Bỉ đã được sáp nhập thành một.
Việc sáp nhập kết thúc mối quan hệ hợp tác từ hơn một năm nay. Vào tháng 2/2021, các thành phố Antwerp và Bruges thông báo bắt đầu quá trình thống nhất các cảng tương ứng và tạo ra một “người khổng lồ” thực sự.
Cảng hợp nhất cung cấp không dưới 74.000 việc làm trực tiếp và 90.000 việc làm gián tiếp. Với giá trị gia tăng gần 21 tỷ euro (22,14 tỷ USD), tương đương 4,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Bỉ, cho đến nay cảng trên vẫn là đầu tàu kinh tế chính của quốc gia này.
Đây cũng sẽ là cảng xuất khẩu lớn nhất của châu Âu, với 147 triệu tấn hàng hóa xuất đi từ cảng mỗi năm.
Trên thực tế, cảng Antwerp-Bruges là sự kết hợp của các cảng biển bậc nhất: Đây cũng sẽ là cảng trung chuyển phương tiện lớn nhất, trung tâm hóa chất tổng hợp lớn nhất ở châu Âu và là một trong những cảng container chính ở “Lục địa già.”
[Tiềm năng hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với tỉnh Antwerp của Bỉ]
Ông Dirk De fauw, Thị trưởng thành phố Bruges và Phó Chủ tịch của cảng mới sáp nhập chia sẻ: "Tôi tin rằng hoạt động sáp nhập này sẽ dẫn đến tăng trưởng bền vững trong hoạt động kinh tế và việc làm ở cả hai địa điểm, cũng như củng cố danh tiếng quốc tế của vùng Flanders trên thế giới. Cùng nhau, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn."
Trong một thông cáo báo chí, hai cảng này nhấn mạnh tính bổ sung lẫn nhau của mình. Antwerp hoạt động rất hiệu quả trong việc vận chuyển và lưu trữ các container, hàng rời và các sản phẩm hóa chất. Zeebrugge là một cảng quan trọng trong việc vận chuyển các phương tiện, xử lý container và vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng, cụ thể là khí đốt của Nga.
Cảng hợp nhất cũng sẽ phát triển một dự án tiên phong thu hồi, lưu trữ và tái sử dụng khí CO₂. Khoảng 2,5 triệu tấn CO₂ đầu tiên sẽ được thu giữ trong ngành công nghiệp cảng biển vào năm 2025. Lượng CO₂ này sẽ được lưu trữ và cuối cùng được tái sử dụng cho các mục đích khác nhau.
Vấn đề năng lượng cũng là một trong những động lực chính thúc đẩy sự hợp nhất này. Theo các nhà quản lý, đây là hai cảng bổ sung cho nhau. Sự kết hợp giữa vị trí của Antwerp với tư cách là trung tâm hóa chất lớn thứ hai thế giới và vị trí ven biển của Zeebrugge mang đến một cơ hội độc đáo để cảng mới đóng vai trò tiên phong trong việc triển khai nền kinh tế hydro.
Từ nay đến năm 2028, cảng Antwerp-Bruges có thể tiếp nhận những nguồn hydro xanh đầu tiên trên nền tảng của mình. Các nhà quản lý cảng mới này cho biết : “Vì mục tiêu này, chúng tôi đang nỗ lực mở rộng công suất thiết bị đầu cuối cho các tàu chở hydro hiện tại và mới tại cả hai khu vực cảng.”
Một đường ống dẫn hydro giữa hai địa điểm, cách nhau gần 80 km và hướng về nội địa châu Âu sẽ cho phép toàn bộ khu vực cảng, rộng hơn là cả nước cùng một phần lớn của châu Âu sử dụng nguồn năng lượng tái tạo quan trọng này.
Tổ chức môi trường Greenpeace đã phân tích báo cáo mới nhất từ Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) và cho biết, Bỉ vẫn là một trung tâm cho nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Do đó, tổ chức này nhắc lại lời kêu gọi thực hiện một kế hoạch tiết kiệm năng lượng khẩn cấp quốc gia để giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga.
Theo báo cáo của CREA, Bỉ là nhà nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga lớn thứ bảy thế giới. Greenpeace cũng nhấn mạnh không dưới 10% tổng lượng LNG của Nga đi qua các bể chứa ở Zeebrugge./.