Anh: Xu hướng đi du lịch rồi trở thành khủng bố gia tăng

Xu hướng nhiều người mang quốc tịch Anh đi du lịch nước ngoài rồi trở thành khủng bố đang gia tăng tại đảo quốc sương mù.

Giám đốc Cơ quan An ninh nội địa Anh (MI5) Andrew Parker cho biết nước này đang đối mặt với xu hướng nhiều người quốc tịch Anh "đi du lịch rồi trở thành khủng bố" đang có diễn biến hết sức phức tạp.

Ngày 7/11, phát biểu tại một phiên điều trần chưa từng có tiền lệ trước Ủy ban Tình báo và an ninh Hạ viện Anh, ông Andrew Parker tiết lộ rằng các lực lượng chức năng của đảo quốc đã phá 34 âm mưu tấn công khủng bố kể từ tháng 7/2005, thời điểm xảy ra vụ khủng bố đẫm máu nhằm vào hệ thống giao thông công cộng ở thủ đô London, làm 37 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương.

Giám đốc Parker cho biết, các nhóm khủng bố vẫn tìm mọi cách để tấn công nước Anh bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong số 34 vụ mà cơ quan tình báo-an ninh nước này phá được, có một số kế hoạch tấn công thể hiện rất rõ mục đích gây thương vong hàng loạt và đẫm máu, khiến xã hội phải rúng động.

Theo ông Parker, nhiều người mang quốc tịch Anh đi du lịch ra nước ngoài, sau đó được tuyển mộ và huấn luyện để quay trở lại đảo quốc thực hiện âm mưu khủng bố. Xu hướng này đang đặt ra nhiều thách thức về an ninh đối với Anh.

Chia sẻ quan điểm với ông Parker, Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Anh (MI6) John Sawers cùng tham gia điều trần cũng cảnh báo rằng những thông tin mà cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden tiết lộ là "rất nguy hiểm," có thể đe dọa đến an ninh quốc gia nước Anh. "Kẻ thù của chúng ta đang xoa tay hả hê, và mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda hưởng trọn niềm vui này," ông Sawers nói.

Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo thông tin và theo dõi điện tử Anh (GCHQ) Iain Lobban cho rằng đã có dấu hiệu rất rõ ràng rằng các nhóm khủng bố đang thay đổi cách thức liên lạc trên cơ sở phân tích những tiết lộ của Snowden.

Buổi điều trần được truyền hình trực tiếp với sự tham dự của ba quan chức đứng đầu các cơ quan tình báo-an ninh Anh diễn ra trong bối cảnh vụ bê bối nghe lén đang bùng phát giữa Mỹ và các nước châu Âu, khiến quan hệ xuyên Đại Tây Dương lâm vào tình trạng căng thẳng.

Tuy nhiên, ông Lobban phủ nhận cáo buộc rằng GCHQ theo dõi các cuộc đàm thoại và trao đổi thư điện tử bên trong nước Anh, vì theo ông, điều này là "bất hợp pháp"./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục