Anh viện trợ Việt Nam hơn 720 tỷ đồng cho Quỹ đa dạng sinh học

Việt Nam sẽ được nhận một khoản viện trợ tối thiểu là 25 triệu bảng Anh để thực hiện các hoạt động giảm nghèo, giảm tình trạng mất đa dạng sinh học và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.
Ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác hỗ trợ triển khai Quỹ đa dạng sinh học. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hôm nay 12/4 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và bà Therese Coffey, Bộ trưởng Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh đã có buổi hội đàm song phương và ký Bản ghi nhớ về hợp tác hỗ trợ triển khai Quỹ đa dạng sinh học.

Quỹ cảnh quan đa dạng sinh học là quỹ thuộc chính phủ Vương quốc Anh, có ngân sách  100 triệu bảng Anh. Ba quốc gia được nhận tài trợ từ quỹ gồm Campuchia, Lào và Việt Nam, thời gian tài trợ từ năm 2023-2029. Việt Nam sẽ được nhận một khoản viện trợ tối thiểu là 25 triệu bảng Anh (khoảng hơn 720 tỷ đồng).

Thỏa thuận hợp tác được ký kết nhằm hỗ trợ triển khai các hoạt động của Quỹ Đa dạng sinh học trong khu vực hạ lưu sông Mekong tại Việt Nam. Mục tiêu của Quỹ là giúp Chính phủ Việt Nam đạt được các mục tiêu giảm nghèo, giảm tình trạng mất đa dạng sinh học cũng như giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu ở quy mô địa phương và xuyên biên giới, thực hiện các cam kết quốc tế như Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học (CBD), Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs), Kế hoạch của Liên hợp quốc về rừng 2017-2030 và các thỏa thuận khu vực và liên khu vực có liên quan khác.

[Việt Nam tích cực hợp tác xử lý các thách thức tại lưu vực sông Mekong]

Sự kiện ký kết này được kỳ vọng sẽ đem lại nguồn lực quan trọng cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực hạ lưu sông Mekong nói riêng và Việt Nam nói chung.

Các hoạt động và mục tiêu chính của quỹ gồm: Tạo ra các cơ hội về kinh tế thông qua việc đầu tư vào thiên nhiên hỗ trợ thích ứng và tăng cường tính chống chịu với khí hậu và giảm nghèo; giảm tốc độ, ngăn chặn hoặc đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học ở sáu khu vực đa dạng sinh học quan trọng trên toàn cầu; giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ bể chứa cácbon tự nhiên.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng quà nông sản Việt Nam cho Bộ trưởng Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại buổi lễ ký kết, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về Quỹ đa dạng sinh học là một trong những lĩnh vực hợp tác mới, có ý nghĩa rất lớn đối với mối quan tâm của các nước trong khu vực và toàn cầu. Đây cũng là hoạt động mở đầu cho việc thực hiện Biên bản ghi nhớ đã ký kết giữa hai Bộ vào tháng 11/2022.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn Vương quốc Anh sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý rừng, tư vấn hoàn thiện khung pháp lý… và cam kết sẽ bố trí nguồn lực thích hợp, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp, tổ chức thực hiện Quỹ đa dạng sinh học hiệu quả nhất, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và sự mong đợi của cả hai bên. 

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các hoạt động triển khai nội dung của Quỹ đa dạng sinh học không chỉ thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học của Việt Nam và các quốc gia liền kề như Lào, Campuchia mà còn cho thấy sự cam kết Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong việc bảo vệ hành tinh xanh.

Đánh giá cao việc thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững của Việt Nam, bà Therese Coffey cam kết Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và chuyên môn thông qua các đối tác của mình để giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường năng lực xây dựng chính sách, quy định pháp luật liên quan để đạt được các mục tiêu của Quỹ đa dạng sinh học.

Ngày mai 13/4, đoàn đại biểu của hai bộ đi thăm và làm việc với các Trung tâm Giáo dục Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê, Trung tâm bảo tồn rùa và Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp tại Vườn quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình để tiếp tục trao đổi về những nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam trong thời gian qua cũng như định hướng hợp tác trong thời gian sắp tới./.

Tin cùng chuyên mục