Với lợi thế về ngôn ngữ, vị trí địa lý, lực lượng lao động và vai trò như là cửa ngõ vào châu Âu, Anh liên tục đứng trong danh sách điểm đến đầu tư hấp dẫn trên thế giới và là nước thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất "lục địa già."
Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra năm 2008, vốn đầu tư nước ngoài vào Anh có giảm nhẹ so với trước đây, song luồng vốn này đã có dấu hiệu phục hồi trong hai năm trở lại đây.
Số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, Anh đã thu hút được 75 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chỉ đứng sau Trung Quốc. Đây là kết quả khá ấn tượng so với năm 2011 - thời điểm nước này tụt xuống vị trí thứ sáu trong danh sách các điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất thế giới.
Đáng chú ý nhất là dự án 16 tỷ bảng (khoảng 25,6 tỷ USD) của Tập đoàn năng lượng Pháp EDF xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point tại hạt Somerset ở phía Tây Nam nước này.
Dự án cũng có sự tham gia đầu tư của hai tập đoàn Trung Quốc là China General Nuclear Power Group và China National Nuclear Corp. Ngoài ra, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) dự kiến đầu tư 650 triệu bảng (hơn 1 tỷ USD) xây dựng tổ hợp thương mại-văn phòng ở sân bay Manschester và tập đoàn Dalian Wanda cũng của Trung Quốc đầu tư 700 triệu bảng (1,12 tỷ USD) xây dựng khách sạn cao cấp ở thủ đô London, đồng thời mua lại hãng sản xuất du thuyền Sunseeker với giá 300 triệu bảng (480 triệu USD).
Một dự án khác của nhà đầu tư Trung Quốc là dự án xây dựng tổ hợp văn phòng trị giá 1 tỷ bảng (1,6 tỷ USD) ở London của tập đoàn Advanced Business Park.
Ngoài ra còn một số dự án lớn khác như xây dựng cảng container trị giá 1,5 tỷ bảng (2,4 tỷ USD) ở hạt Essex của tập đoàn DP World đến từ Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và xây dựng lại nhà máy điện Battersea ở London, với tổng vốn đầu tư 400 triệu bảng (640 triệu USD) của các nhà đầu tư Malaysia.
Các nhà phân tích cho rằng có nhiều yếu tố khiến Anh trở thành điểm đến của đầu tư nước ngoài, như việc Chính phủ Anh quyết định giảm thuế doanh nghiệp từ 28% xuống 20% bắt đầu từ năm 2015 và việc áp mức thuế thấp hơn đối với các sở hữu trí tuệ, để cải thiện sự hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Kết quả một cuộc khảo sát do hãng cung cấp dịch vụ kiểm toán, tài chính và tư vấn Ernst & Young (E&Y) thực hiện, cho thấy chất lượng cuộc sống, sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ là những yếu tố hàng đầu thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến Đảo quốc Sương mù. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng công nghệ và viễn thông tốt, sự ổn định và minh bạch của môi trường chính trị-pháp lý và chi phí nhân công hợp lý cũng là những điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Các nhà đầu tư cũng đưa ra quan điểm trái chiều về quan hệ giữa Anh với Liên minh châu Âu (EU) trong tương lai, khi mà Thủ tướng David Cameron cam kết sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của nước này vào năm 2017 nếu như đảng Bảo thủ của ông giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015.
Trong số những nhà đầu tư châu Âu, 56% cho rằng Anh sẽ kém hấp dẫn hơn nếu nước này rời khỏi EU, trong khi 72% số nhà đầu tư Mỹ và 75% số nhà đầu tư châu Á cho rằng mối quan hệ lỏng lẻo hơn với EU sẽ khiến môi trường đầu tư của Anh hấp dẫn hơn.
Theo số liệu của E&Y, năm ngoái, Anh dẫn đầu châu Âu về thu hút FDI, với 697 dự án, tăng 2,7% so với năm 2011, với 30.300 việc làm mới được tạo ra. Trong khi đó, số lượng dự án FDI đầu tư vào châu Âu lại giảm 2,8% so với năm trước./.