Ngày 24/9, Anh đã ghi nhận thêm 6.634 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch.
Đây là dấu hiệu về làn sóng lây nhiễm thứ hai song cũng cho thấy mức độ xét nghiệm cao hơn nhiều so với trong làn sóng thứ nhất.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết chính phủ ước tính số ca nhiễm mới hằng ngày chưa tới 10.000 ca, thấp hơn nhiều so với mức 100.000 ca/ngày thời đỉnh dịch trong làn sóng thứ nhất.
[Dịch COVID-19: Cảnh báo diễn biến đáng lo ngại ở 7 nước EU]
Liên quan đến số ca tử vong, ngày 24/9 đã ghi nhận 40 ca mới. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức 1.000 ca tử vong mỗi ngày trong làn sóng thứ nhất.
Cùng ngày 24/9, lệnh giới nghiêm tại các câu lạc bộ ban đêm đã bắt đầu có hiệu lực ở Anh và xứ Wales nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Đây là một trong số các biện pháp siết chặt mới được Thủ tướng Boris Johnson thông báo ngày 22/9, theo đó mọi cơ sở phục vụ đồ ăn và đồ uống phải đóng cửa trước 22 giờ.
Biện pháp này sẽ có hiệu lực ở Scotland từ ngày 25/9 trong khi Bắc Ireland đang cân nhắc thời điểm giới nghiêm.
Các biện pháp mới nói trên được thực thi chỉ vài tuần sau khi Anh kết thúc cơ chế khuyến khích người dân dùng bữa ở nhà hàng bằng một chính sách hỗ trợ hóa đơn trong 1 tháng.
Tại Pháp, Bộ Y tế cũng thông báo số ca nhiễm mới trong ngày ở mức cao nhất, lên tới 16.096 ca ngày 24/9. Thông tin trên được đưa ra một ngày sau khi chính phủ thông báo các biện pháp hạn chế mới đối với các quán rượu, nhà hàng tại các thành phố lớn nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Hiệp hội các bệnh viện công ở thủ đô Paris thông báo các ca phẫu thuật không khẩn cấp sẽ phải lùi ngày do số ca mắc COVID-19 đang tăng cao.
Trong 3 tuần qua, số ca nhiễm đã tăng hơn gấp đôi, từ 150 ca lên 330 ca, trong khi số ca phải điều trị tích cực tăng từ 50 ca lên 132 ca.
Thủ tướng Jean Castex cảnh báo cần hành động để ngăn chặn dịch lây lan. Phát biểu trên truyền hình, ông Castex cho biết: "Đây là một cuộc chạy đua với thời gian. Mọi người phải chú ý và thận trọng. Nếu chúng ta không hành động, chúng ta có thể rơi vào cảnh tương tự như hồi mùa Xuân."
Cùng ngày, Tây Ban Nha đã đưa ra cảnh báo giai đoạn khó khăn hơn đang ở phía trước, khi số ca nhiễm tại nước này đã vượt 700.000 ca.
Vùng thủ đô Madrid hiện là "điểm nóng" dịch, chiếm 1/3 số ca phải nhập viện. Chính quyền Madrid đã áp đặt phong tỏa một phần tại nhiều quận có tỷ lệ lây nhiễm cao và dự kiến thông báo siết chặt các biện pháp phòng chống trong ngày 25/9.
Số ca nhiễm đã gia tăng kể từ khi kết thúc phong tỏa toàn quốc hồi cuối tháng 6, thêm 200.000 ca chỉ trong gần 1 tháng, hiện đã lên tới 704.209 ca, mức cao nhất ở khu vực Tây Âu.
Số ca tử vong trong 24 giờ qua là 13 ca, nâng tổng số lên 31.118 ca. Số ca tử vong hằng ngày hiện ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 5, song vẫn thấp hơn mức kỷ lục 900 ca/ngày hồi cuối tháng 3. Bộ trưởng Y tế Salvador Illa nhận định: "Chúng ta phải hành động quyết liệt để kiểm soát dịch bệnh."
Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 có thể tái bùng phát, Tổng thống Vladimir Putin ngày 24/9 khuyến cáo giới chức nước này cảnh giác để tránh phải áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch bệnh tại Nga.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với 20 thống đốc các khu vực của Nga, ông Putin nêu rõ: "Tình hình có thể thay đổi. Phải khôi phục các biện pháp hạn chế mà chúng ta đã áp đặt mùa Xuân vừa qua là điều không nên."
Tổng thống Putin nhấn mạnh số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở Nga đã tăng nhẹ sau kỳ nghỉ Hè, sau khi một số biện pháp chống dịch được nới lỏng và người dân chủ quan khi tụ tập đông người. Ông khẳng định an toàn của người dân phải được đảm bảo trong mùa Thu tới, khi bệnh cúm và một số bệnh lây nhiễm khác hoành hành.
Nhà chức trách Nga ngày 24/9 thông báo ghi nhận thêm 6.595 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.128.836 ca.
Hiện số ca mắc mới theo ngày đang có chiều hướng gia tăng tại Nga, đặc biệt Moskva, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19 ghi nhận hơn 1.000 ca mắc mới hằng ngày.
Trong khi đó, tại Bồ Đào Nga, chính phủ nước này thông báo tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp chống dịch đến ít nhất là giữa tháng 10 tới trong bối cảnh số ca mắc mới theo ngày cả trong nước và nước ngoài gia tăng.
Theo thông báo mới, tình trạng khẩn cấp được áp đặt trên cả nước từ ngày 15/9 sẽ kéo dài đến hết ngày 14/10, theo đó quy định số người tụ họp không được vượt quá 10 người; các cơ sở thương mại phải đóng cửa trong khung giờ từ 20-22 giờ.
Cho đến nay Bồ Đào Nha đã ghi nhận tổng cộng 71.156 ca mắc COVID-19 với 1.931 ca tử vong, và số ca mắc mới theo ngày đang gia tăng trở lại. Ngày 24/9 nước này ghi nhận có thêm 802 ca mắc mới, mức cao nhất ghi nhận theo ngày kể từ khi phát hiện ca mắc đầu tiên đầu năm nay.
Tình trạng gia tăng số ca mắc COVID-19 tại Bồ Đào Nha, một đất nước với 10 triệu dân và dẫn đầu nhiều nước khác ở châu Âu áp đặt các biện pháp cảnh báo và hạn chế đi lại, khiến nền kinh tế vốn phụ thuộc vào du lịch này lao đao.
Cùng ngày, Chính phủ Phần Lan thông báo giảm số quốc gia được xác định là an toàn về dịch tễ và khôi phục một số biện pháp hạn chế đi lại trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng trở lại.
Kể từ ngày 28/9, Phần Lan sẽ khôi phục các hạn chế đi lại đối với du khách đến từ Estonia, Thụy Điển, Na Uy, Iceland, Đức và Slovakia.
Ngoài những nước ở châu Âu này, còn có Gruzia, Canada và Tunisia. Chỉ những người đến từ các nước Cyprus, Latvia, Litva, Liechtenstein, Ba Lan và San Mario được vào Phần Lan không hạn chế.
Trên cơ sở chính sách mới được thông báo đầu tháng 9 này, Phần Lan chỉ cho phép du khách đến từ các nước duy trì tỷ lệ nhiễm bệnh ở mức 25 ca/100.000 dân trong vòng 2 tuần qua, được vào Phần Lan.
Những du khách đến từ các nước nằm trong danh sách không an toàn sẽ phải thực hiện tự cách ly trong 2 tuần khi đến Phần Lan./.