Thủ tướng Ireland Leo Varadkar ngày 6/12 nhấn mạnh các cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, chỉ có thể chuyển sang giai đoạn 2 dựa trên thỏa thuận về đường biên giới Ireland được nhất trí vào đầu tuần này, nếu không các cuộc đàm phán sẽ được nối lại vào năm tới.
Trước đó, London ngày 4/12 đã chấp nhận rằng các quy định thuế quan và thương mại tại Bắc Ireland sẽ vẫn thống nhất với những quy định khác trong EU hậu Brexit. Việc đạt được thỏa thuận về biên giới với Ireland được đánh giá là một bước tiến dài cho tiến trình đàm phán Brexit. Tuy nhiên, thỏa thuận về đường biên giới "mềm" với Ireland vấp phải sự phản đối của đảng Dân chủ Liên hiệp (DUP) tại Bắc Ireland, vốn ủng hộ Brexit. Đảng này cho rằng việc trao cho Bắc Ireland một quy chế riêng biệt cũng có nghĩa là khu vực này sẽ nửa thuộc EU nửa thuộc Anh sau Brexit, khiến chính quyền Belfast phải phụ thuộc vào những quy định của Cộng hòa Ireland.
Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Varadkar khẳng định ủng hộ thỏa thuận được nhất trí ngày 4/12 vừa qua, song nhấn mạnh rằng nếu như không thể thực hiện thỏa thuận này, Dublin sẽ nối lại đàm phán với London vào năm tới.
Cùng ngày, lãnh đạo đảng DUP Arlene Foster đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Anh Theresa May về vấn đề đường biên giới Ireland kể từ khi đàm phán Brexit giữa Anh và EU bị thất bại vào ngày 4/12 vừa qua.
Trả lời báo giới, bà Foster cho rằng lẽ ra đã có thể tránh khỏi trục trặc vừa qua với EU nếu như đảng DUP của bà có đại biểu tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán Brexit, đồng thời cho biết bà đã sẵn sàng tới London để xem lại các điểm trong thỏa thuận.
Theo nguồn tin từ Văn phòng Chính phủ Anh, Thủ tướng May nêu rõ đã đạt được những tiến bộ nhất định và London đang tập trung để đạt được những kết quả tích cực tại cuộc họp hội đồng châu Âu vào tháng 12 này.
Anh đã chuẩn bị để thông qua ý tưởng về "quy định liên kết" giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, trên một số lĩnh vực như nông nghiệp và năng lượng, và có khả năng sẽ áp dụng quy chế này trên toàn lãnh thổ Anh. Tuy nhiên mọi hy vọng về một thỏa thuận với EU đã sụp đổ sau khi DUP cho rằng họ không nhận được những đảm bảo về việc Bắc Ireland sẽ có được đầy đủ những thỏa thuận Brexit như các vùng miền khác của Anh. Sự phản đối của DUP đặt Thủ tướng May vào thế khó bởi đảng này, với 10 nghị sĩ tại Quốc hội Anh, sẽ đóng vai trò không nhỏ để các kế hoạch của chính phủ được thông qua.
Bên cạnh đó, Thủ tướng May tiếp tục đối mặt với áp lực khi những thành viên cao cấp ủng hộ Brexit trong đảng Bảo thủ, trong đó có cả Ngoại trưởng Boris Johnson đã tỏ ra không hài lòng với ý tưởng là toàn Anh đều có thể ký "thỏa thuận liên kết" với các nước trong EU, vì cho rằng điều này đánh vào điểm mấu chốt của vấn đề Brexit./.