Anh và Đức tăng cường các biện pháp hỗ trợ người di cư

Thủ tướng Anh David Cameron đã công bố khoản hỗ trợ trị giá 20 triệu bảng nhằm hỗ trợ các lớp dạy tiếng Anh cho người nhập cư ở nước này.
Người di cư từ Liberia, Maroc, Pakistan, Sri Lanka và Sudan tại khu vực Gevgelija ở biên giới Macedonia-Hy Lạp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại London, ngày 18/1, Thủ tướng Anh David Cameron đã công bố khoản hỗ trợ trị giá 20 triệu bảng nhằm hỗ trợ các lớp dạy tiếng Anh cho người nhập cư ở nước này.

Phát biểu trong chương trình Today của tổ hợp truyền thông Anh BBC, Thủ tướng Cameron nhấn mạnh khoản hỗ trợ nói trên sẽ giúp cộng đồng người nhập cư nhanh chóng hòa nhập xã hội Anh, mặc dù trước đó Chính phủ Anh từng hạn chế các lớp bổ túc tiếng Anh do ngân sách bị thâm hụt.

Thủ tướng Anh nhận định có "sự kết nối" giữa kế hoạch của ông và cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan vì ông muốn các giá trị Anh được mọi người tới Anh sinh sống lĩnh hội đầy đủ, tránh kích động thái độ kỳ thị và thù địch.

Bên cạnh việc tăng cường dạy tiếng Anh cho người nhập cư, Thủ tướng Cameron cho biết những phụ nữ tới Anh bằng thị thực hôn nhân đều sẽ được kiểm tra trình độ tiếng Anh sau 2 năm rưỡi để đảm bảo rằng khả năng tiếng Anh của họ đã được cải thiện. Nếu không vượt qua được bài kiểm tra này, một số trường hợp có thể bị trục xuất.

Ông cũng nói rằng khoảng 190.000 phụ nữ Hồi giáo nhập cư "Xứ sở sương mù" có vốn tiếng Anh rất tệ. Tuy nhiên, ông bác bỏ việc sẽ đưa ra lệnh cấm đeo mạng che mặt khi ra ngoài như một số nước châu Âu với lý do tôn trọng quyền tự do cá nhân.

Trong khi đó, cùng ngày, Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cũng kêu gọi các nước cần tiếp tục có các biện pháp cải thiện điều kiện sống cho những người tị nạn tại Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Liban.

Nhà lãnh đạo Đức phản đối các biện pháp kiểm soát biên giới khắt khe của một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) gần đây, đe dọa đến tương lai của Hiệp ước tự do đi lại Shengen và gây thiệt hại lớn về kinh tế và việc làm.

Ông Gabriel cam kết Đức sẽ sẵn sàng hỗ trợ các nước Bắc Phi phát triển kinh tế với điều kiện chính phủ các nước này cũng phải công bằng trong việc tiếp nhận lại những người bị bác đơn tị nạn tại Đức do không đủ điều kiện theo quy định.

Gần đây, số người Maroc và Algeria nộp đơn xin tị nạn tại Đức tăng cao đáng kể, dù cơ hội để họ ở lại Đức là rất ít nhưng việc "hồi hương" những đối tượng này gặp khó khăn do nhiều người cố tình hủy toàn bộ giấy tờ cá nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục