Anh và Đức nhất trí tích cực phối hợp để đạt thỏa thuận Brexit

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí phối hợp để đạt được một thỏa thuận Brexit, đồng thời sẽ thảo luận về vấn đề này tại một hội nghị của LHQ vào tuần tới.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc gặp tại Biarritz, miền Tây Nam Pháp ngày 24/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc gặp tại Biarritz, miền Tây Nam Pháp ngày 24/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết trong cuộc nói chuyện với Thủ tướng Đức Angela Merkel sáng 17/9, nhà lãnh đạo Anh nhắc lại rằng nước này và EU đã nhất trí thúc đẩy nỗ lực để đạt được một thỏa thuận mà không có điều khoản "chốt chặn" nhằm có thể nhận được sự ủng hộ của Quốc hội Anh.

Thủ tướng Johnson tuyên bố ông sẽ làm việc với quyết tâm và nghị lực để đạt được thỏa thuận này trước thời hạn chót Anh rời EU là vào ngày 31/10 tới.

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh cũng nói thêm rằng hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận vấn đề này tại kỳ họp thường niên của Đại Hội đồng Liên hợp quốc vào cuối tháng này tại New York, Mỹ.

Trước đó, ngày 16/9 sau chuyến thăm Luxembourg, Thủ tướng Anh Johnson đã tuyên bố tăng cường nỗ lực để đạt được một thỏa thuận rời EU.

[Châu Âu đang chờ đợi những đề xuất cụ thể của Anh về Brexit]

Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Johnson đã gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhằm thúc đẩy “các cuộc đàm phán kỹ thuật” được khởi động lại giữa Anh và EU về một thỏa thuận Brexit.

Vài ngày trước, ông Johnson đã trấn an dư luận Anh rằng một thỏa thuận đang được đàm phán với EU.

Thời hạn Brexit được xác định vào ngày 31/10 đang tới gần, trong khi Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhắc lại với Chủ tịch Ủy ban châu Âu rằng ông không yêu cầu một thời hạn thay thế nào khác.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Ireland cảnh báo rằng khoảng 1/3 nông trại nước này có nguy cơ bị tổn thương về kinh tế nếu Anh rời EU mà không có thỏa thuận.

Theo số liệu năm 2017của Bộ Thương mại Cộng hòa Ireland, 38% hàng thực phẩm chế biến của nước này được xuất khẩu sang Anh.

Tuy nhiên, nếu Brexit không thỏa thuận xảy ra, London sẽ quay về các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), theo đó sẽ áp thuế và các rào cản khác đối với hoạt động buôn bán xuyên biên giới.

Ngân hàng Trung ương Ireland cho biết chỉ riêng thuế đối với thịt sẽ lên tới gần 50%, khiến các trại nuôi bò của Ireland rất dễ bị tác động của Brexit.

Ngân hàng nhấn mạnh: "Ngành chăn nuôi (của Ireland) phụ thuộc nhiều vào thị trường Anh có nguy cơ bị đánh thuế cao trong kịch bản Brexit không thỏa thuận"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục