Tỷ lệ lạm phát của Anh lần đầu tiên rơi vào mức âm kể từ năm 1960, đẩy nền kinh tế nước này đứng trước rủi ro rơi vào tình trạng giảm phát.
Cơ quan Thống kê quốc gia Anh (ONS) ngày 19/5 công bố dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ lạm phát trong tháng Tư của Xứ sở Sương mù ở mức âm 0,1% sau hai tháng liên tiếp đứng ở mức 0%.
Giá cả tiêu dùng rơi vào phạm vi âm do hai yếu tố gồm hoạt động của các dịch vụ giao thông giảm, đáng chú ý là giá vé hàng không và đường biển giảm mạnh, và thời điểm trước kỳ nghỉ lễ Phục Sinh. ONS công bố một loạt số liệu cho thấy Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) đến tháng Tư giảm 0,1% sau 12 tháng liên tiếp (tính đến tháng Ba) không đổi.
Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho rằng dữ liệu trên là một "tin tốt" đối với các hộ gia đình Anh vì lạm phát giảm đồng nghĩa với việc thu nhập của người dân tăng lên. Ông nhận định cần vui mừng trước những tác động tích cực của việc lạm phát âm gồm giá năng lượng, thực phẩm giảm trong khi lương tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Osborne cũng thừa nhận cần thận trọng với những rủi ro giảm phát và phải chuẩn bị tốt để đối phó với những tác động tiêu cực do giảm phát gây ra. Tình trạng giảm phát có thể khiến các công ty và hộ gia đình dừng các khoản đầu tư và mua sắm. Hệ quả sẽ bóp nghẹt nguồn cung, châm ngòi cho các đợt sa thải nhân công lớn.
Trong một diễn biến liên quan tới nền kinh tế Anh, phóng viên TTXVN tại London cho biết bất chấp nền kinh tế gặp khó khăn trong năm năm qua, người tiêu dùng Anh vẫn duy trì thói quen ăn nhà hàng, thể hiện qua doanh số của các nhà hàng tại "quốc đảo sương mù" đã tăng 39% kể từ năm 2010.
Số liệu của hãng cung cấp thông tin tài chính LDF qua phân tích 52.000 tài khoản trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng cho biết doanh thu của các nhà hàng tại Anh đã tăng từ 15,5 tỷ bảng năm 2010 lên 21,6 tỷ bảng trong năm 2014. Giờ đây, với việc Vương quốc Anh đang có xu hướng rơi vào giảm phát với mức lương tăng nhanh hơn giá hàng hóa và dịch vụ, các nhà hàng lại càng có cơ hội "ăn nên làm ra" nhờ người tiêu dùng mạnh tay hơn trong việc chi tiêu.
Ông Peter Alderson, giám đốc điều hành của LDF, cho biết xu hướng chung là người dân đang có nhiều tiền hơn để chi tiêu và không chỉ có các nhà hàng ở thủ đô London, các nhà hàng, quán ăn tại các thành phố miền Bắc Anh như Manchester, Leeds, Sheffield và Liverpool cũng chứng kiến cảnh khách hàng vào ra nhộn nhịp hơn. Trước đó, khảo sát của Nhóm dự báo phi chính phủ "EY Item Club" đưa ra hồi tháng Tư cho rằng thu nhập còn lại sau khi đóng các khoản thuế của người tiêu dùng Anh có thể tăng 3,7% trong năm 2015, mức tăng nhanh nhất trong hơn 20 năm qua./.