Anh tìm kiếm cơ chế giao dịch tài chính mới với EU sau Brexit

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho rằng các ngân hàng Anh và EU cần một hệ thống giao dịch mới sau Brexit, nhằm tránh chia rẽ thị trường.
Anh tìm kiếm cơ chế giao dịch tài chính mới với EU sau Brexit ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 20/6, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho rằng các ngân hàng Anh và Liên minh châu Âu (EU) cần một hệ thống giao dịch mới sau khi Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit), nhằm tránh chia rẽ thị trường.

Bộ trưởng Hammond nhấn mạnh việc phá vỡ nền tảng giao dịch tài chính hiện nay giữa Anh và EU sẽ khiến chất lượng dịch vụ kém hơn, trong khi chi phí dịch vụ lại cao hơn. Do đó, ông cho rằng trước hết cần một cơ chế mới thiết lập các quy định giao dịch cho các doanh nghiệp xuyên biên giới giữa Anh và EU.

Cơ chế này cần phải có cơ sở pháp lý, cân đối, minh bạch và đáp ứng các quy định quốc tế.

Thứ hai, điều chỉnh cơ chế hợp tác cần xuất phát từ hai phía, trên cơ sở tin cậy và ưu tiên ổn định tài chính.

Thứ ba, các quy định điều chỉnh cơ chế hợp tác cần phải ổn định và đáng tin cậy đối các doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh của những quy định này .

[Khó khăn trong đàm phán về tài chính, dự báo kinh tế Anh chững lại]

Bộ trưởng Tài chính Anh cũng nhấn mạnh nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới này đang phải đối mặt với thời gian khó khăn khi cố gắng tránh một kịch bản Brexit tồi.

Ông Hammond cho biết Anh và EU đang đàm phán về Brexit, nhưng để bảo đảm rằng đàm phán Brexit diễn ra suôn sẻ để Anh đạt được một mối quan hệ sâu sắc và đặc biệt trong tương lai với các quốc gia láng giềng EU, qua đó bảo vệ được việc làm, thịnh vượng và những tiêu chuẩn sống tại Anh, London sẽ cần vận dụng mọi sự khéo léo và tài ngoại giao của mình.

Ngày 19/6, Anh và EU đã chính thức khởi động đàm phán Brexit. Ông Hammond đánh giá đó là sự khởi đầu tích cực, song sẽ khó khăn. Tuy nhiên, theo ông, Anh đã sẵn sàng cho thách thức.

Tiến trình đàm phán giữa Anh và EU dự kiến sẽ kéo dài 2 năm, với nhiều vấn đề phức tạp chưa từng có trong lịch sử hình thành EU. Chính phủ của Thủ tướng Theresa May từng lên các kế hoạch Brexit "cứng" bao gồm rời khỏi thị trường chung EU, đạt một thỏa thuận hải quan mới và hạn chế người nhập cư từ châu Âu.

Tuy nhiên, việc đảng Bảo thủ của Thủ tướng May không giành được đa số quá bán tại quốc hội trong cuộc bầu cử ngày 8/6 vừa qua có thể sẽ định hình lại kế hoạch Brexit của Anh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục