Thủ tướng Anh Theresa May ngày 27/9 bày tỏ sự “thất vọng tràn trề” trước việc Bộ Thương mại Mỹ ra phán quyết có lợi cho hãng chế tạo Boeing của Mỹ, theo đó Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu trừng phạt đối với máy bay chở khách do hãng chế tạo máy bay Bombardier của Canada sản xuất ở Bắc Ireland.
Thủ tướng tuyên bố Chính phủ Anh sẽ tiếp tục làm việc với Bombardier nhằm tìm cách bảo vệ việc làm tại nhà máy chế tạo máy bay của hãng đặt tại Bắc Ireland, sau khi Mỹ đưa ra mức thuế nhập khẩu máy bay dòng C-Series của Bombardier lên tới 219,63%. Tuy nhiên, hai bên vẫn phải chờ phán quyết cuối cùng dự kiến được đưa ra vào tháng Hai năm tới.
Boeing đã kiện Bombardier lên tòa án Mỹ, trong đó cáo buộc việc họ nhận sự hỗ trợ không công bằng của Chính quyền thành phố Quebec thông qua gói trợ giúp trị giá 1 tỷ USD và bán phá giá dòng C-Series tại thị trường Mỹ. Trong một nỗ lực nhằm tránh cho vụ kiện ảnh hưởng xấu đến tình hình việc làm tại Bắc Ireland, Thủ tướng May đã từng đề nghị Tổng thống Mỹ Donald Trump thuyết phục hãng chế tạo máy bay Boeing từ bỏ vụ kiện này.
[Mỹ áp thuế chống phá giá 220% với dòng máy bay CSeries của Canada]
Nhà máy của Bombardier tại phía Đông Belfast của Bắc Ireland hiện mang lại việc làm nhiều nhất, hơn 4.000 việc làm, trong đó khoảng 1.000 việc làm liên quan đến dự án chế tạo cánh và thân cho máy bay dòng C-Series. Trong 30 năm qua, Bombardier là doanh nghiệp mang lại việc làm chủ chốt trong khu vực và hỗ trợ hàng trăm việc làm khác ở Bắc Ireland thông qua các nhà cung cấp.
Hồi năm ngoái, Bombardier đã ký hợp đồng cung cấp 125 máy bay mới dòng CS 100 với tổng trị giá 5,6 tỷ USD cho hãng hàng không Delta Airlines của Mỹ. Nếu mức thuế 219,63% được áp đặt, số thuế mà Bombardier phải trả sẽ cao gấp hơn ba lần giá một chiếc máy bay C-Series bán cho Delta Airlines, lên tới khoảng 61 triệu USD/chiếc./.