'Ánh sáng cuối đường hầm' để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran

Mỹ và Iran đã đồng ý vạch ra một lộ trình để cữu vãn thỏa thuận hạt nhân được coi như "ánh sáng ở cuối đường hầm" sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận năm 2018.
'Ánh sáng cuối đường hầm' để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran ảnh 1Kỹ sư làm việc tại nhà máy làm giàu urani Natanz ngày 10/4/2021. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mỹ và Iran đã đồng ý vạch ra một lộ trình để cứu Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran, mà hai nước đã ký năm 2015 cùng Nga,Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức.

Hai bên sẽ bắt đầu chương trình đàm phán gián tiếp tại thủ đô Vienna (Áo).

Theo nhật báo Le Soir (Bỉ), đây là một bước đột phá nhờ những nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm cứu thỏa thuận.

Điều này được coi như "ánh sáng ở cuối đường hầm" sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận năm 2018.

JCPOA ngăn Tehran chế tạo bom nguyên tử. Cho đến nay, cả Washington và Tehran đều đặt điều kiện tiên quyết cho nhau. Mỹ yêu cầu Iran tiến hành bước đầu tiên trước khi Mỹ thực hiện cam kết của Tổng thống Joe Biden là đưa cường quốc này trở lại thỏa thuận.

[Iran công bố kết quả điều tra sự cố tại cơ sở hạt nhân Natanz]

Thế nhưng, Iran đáp trả rằng chính Mỹ sẽ phải hành động trước bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hà khắc đối với Iran. Đó chính là bế tắc cho đến khi có bước đột phá này vì cả hai đều muốn giữ thể diện và tránh bị coi là yếu thế.

Hai nhóm chuyên gia - gồm đại diện của các quốc gia tham gia ký thỏa thuận (5 chuyên gia mỗi nhóm và một đại diện của cơ quan ngoại giao EU) đã bắt đầu làm việc vào ngày 6/4 tại Vienna, trụ sở của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Một trong hai nhóm công tác lên chi tiết các bước mà phía Iran cần thực hiện để trở lại tuân thủ đầy đủ các cam kết hạt nhân của họ.

Những điều này đã được ký kết trong JCPOA năm 2015, nhưng Tehran đã không tuân thủ kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận.

Nhóm chuyên gia còn lại sẽ liệt kê các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ cần dỡ bỏ. Mỹ đã tăng sức ép kinh tế với Iran kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi JCPOA vào tháng 5/2018.

Các quan chức châu Âu hy vọng rằng nếu tất cả các nghĩa vụ này được thực hiện "với cùng một ý chí chính trị, đó sẽ là sự khôi phục hoàn toàn" thỏa thuận hạt nhân Iran. Đây thực sự là tín hiệu của sự ấm lên trong quan hệ giữa hai bên.

Một phái đoàn của Mỹ cũng sẽ tới Áo và tiến hành "đàm phán gián tiếp" với Pháp, Đức, Anh, Nga, Trung Quốc, EU và... Iran.

Kế hoạch khôi phục thỏa thuận này đã được phác thảo hôm 3/4 trong cuộc họp trực tuyến lần đầu tiên của "ủy ban liên hợp" kể từ đầu năm.

Ủy ban này tập hợp các bên ký kết còn lại của hiệp định hạt nhân Iran và do Cơ quan ngoại giao EU (EEAS) chủ trì. EEAS đã hoạt động tích cực kể từ khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức để "đưa Mỹ trở lại bàn đàm phán."

Câu hỏi đặt ra là: Làm như thế nào? Hai nhóm chuyên gia nói trên sẽ xác định phương thức của các nhiệm vụ này. Các công việc cần được thực hiện liên tục và chuyên sâu.

EU chính là "biên đạo" của các cuộc đàm phán gián tiếp với Mỹ nhờ kỹ thuật đàm phán ngoại giao hiệu quả như hiệp định Dayton năm 1995, báo trước sự kết thúc của chiến tranh ở Bosnia. Các nước châu Âu nói chung đều mong muốn cứu vãn thỏa thuận này.

Chính quyền Tổng thống Biden đã hứa sẽ trở lại thỏa thuận với những điều kiện nhất định.

Trong khi đó, người Iran cũng muốn có "những lợi ích kinh tế" mà thỏa thuận đã cam kết, nhưng lại bị phá hoại bởi Mỹ áp dụng lại các biện pháp trừng phạt.

Điều này đã ảnh hưởng nặng nề đến hy vọng thương mại của EU vì chúng cũng bị tác động bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Do đó, tất cả các bên đều quan tâm đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Theo EU, cơ hội của tiến trình này khá ngắn, ước tính vài tuần, tối đa là 2 tháng. Theo kế hoạch, Iran sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 18/6.

Một quan chức cấp cao của EU nói: "Nếu chúng tôi không đạt được điều đó (cứu vãn thỏa thuận) trong vòng 2 tháng, đây chắc chắn sẽ là một tin xấu. Tuy nhiên, với ý chí chính trị của cả hai bên, chúng tôi hy vọng có thể gặt hái được kết quả."

Robert Malley, đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về Iran, viết trên Twitter về cuộc thảo luận hôm 6/4 ở Vienna: "Đây là bước đầu tiên. Những cuộc đàm phán khó khăn nhưng đang đi đúng hướng."

Trong khi đó, đại sứ Nga tại IAEA nói: "Con đường phía trước sẽ không dễ dàng và sẽ cần những nỗ lực rất lớn. Các bên liên quan dường như đã sẵn sàng cho việc này.”

Người đứng đầu ngành ngoại giao Iran, ông Javad Zarif, nhấn mạnh: “Không có cuộc gặp Iran-Mỹ. Điều đó không cần thiết," còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: "Chúng tôi không mong đợi các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Iran ở giai đoạn hiện nay, nhưng Mỹ vẫn để ngỏ khả năng này." Tất cả đang mong chờ “hành động thay đổi hành động” từ cuộc đàm phán tại Vienna./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục