Anh: Rủi ro tài chính từ các khoản chi tiêu để đối phó với đại dịch

Ủy ban các Tài khoản công của Quốc hội Anh ước tính thiệt hại do gian lận và không trả được nợ từ những khoản vay hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch vào khoảng 26 tỷ bảng Anh.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi di chuyển trên đường phố tại London, Anh ngày 24/7/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo cáo ngày 25/7 của Quốc hội Anh cho thấy Chính phủ sẽ phải chịu rủi ro tài chính từ khoản chi tiêu 372 tỷ bảng Anh (khoảng 511 tỷ USD) trong nhiều thập kỷ, cùng với đó là hơn 2 tỷ bảng Anh chi tiêu cho những thiết bị bảo hộ không sử dụng được.

Trong hai bản báo cáo về các biện pháp đối phó của chính quyền Thủ tướng Boris Johnson đối với dịch COVID-19, Ủy ban các Tài khoản công của Quốc hội Anh (PAC) cho rằng chính quyền cần rút ra những bài học trước khi thực hiện một cuộc điều tra công dự kiến vào năm 2022.

Chủ tịch PAC Meg Hillier cho rằng rủi ro đối với những người nộp thuế sẽ kéo dài 20 năm đối với những khoản chi tiêu phòng chống COVID-19 chẳng hạn như các khoản cho vay phục hồi hoạt động nghệ thuật và văn hóa, chưa kể đến những rủi ro mới khác mà các cơ quan chính phủ phải nhanh chóng nắm bắt để giải quyết.

[Lạm phát của Anh tăng lên gần mức cao nhất của 3 năm]

PAC ước tính thiệt hại do gian lận và không trả được nợ từ những khoản vay hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch vào khoảng 26 tỷ bảng Anh.

Trong bản báo cáo thứ hai, Ủy ban cho biết hiện có những khoản chi tiêu lãng phí ở mức cao không thể chấp nhận được cho việc mua các thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) không phù hợp, với trị giá lên tới 2,1 tỷ bảng Anh, đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước mất đi một khoản chi ngân sách tương đương.

Tuy nhiên, Chính phủ Anh cho rằng chỉ 0,84% thiết bị PPE là không sử dụng được và London có kế hoạch sử dụng số thiết bị này cho mục đích khác.

Người phát ngôn của Bộ Y tế Anh cho hay chính phủ có những quy trình mạnh mẽ để đảm bảo rằng các khoản chi ngân sách của chính phủ luôn mang lại giá trị cho những người đóng thuế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục