Anh, Pháp và Đức cảnh báo Iran về kế hoạch sử dụng nhiên liệu urani

Các ngoại trưởng Anh, Pháp và Đức tuyên bố họ "lo ngại sâu sắc" về kế hoạch của Iran vì urani không phải được sử dụng vì mục đích dân sự mà chủ yếu cho mục đích quân sự.
Anh, Pháp và Đức cảnh báo Iran về kế hoạch sử dụng nhiên liệu urani ảnh 1Kỹ thuật viên làm việc bên trong một nhà máy điện hạt nhân ở Isfahan, Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 16/1, ba cường quốc châu Âu là Anh, Pháp và Đức đã cảnh báo Iran về việc nước này dự định sử dụng nhiên liệu sản xuất từ urani cho một lò phản ứng phục vụ nghiên cứu và phát triển.

Theo các nước này, hành động trên đi ngược tinh thần của thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đã được Tehran ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức).

Trong tuyên bố chung đưa ra về vấn đề này, ngoại trưởng Pháp, Anh và Đức nêu rõ: "Chúng tôi đặc biệt khuyến khích Iran chấm dứt hoạt động này và lập tức quay trở lại tuân thủ đầy đủ các cam kết của mình trong JCPOA, nếu như nước này nghiêm túc duy trì thỏa thuận."

Các ngoại trưởng nói rõ họ "lo ngại sâu sắc" về kế hoạch của Iran vì urani không phải được sử dụng vì mục đích dân sự mà chủ yếu cho mục đích quân sự.

Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) hôm 13/1 cho biết đã nhận được thông báo từ Iran về việc nước này đang đẩy mạnh nghiên cứu sản phẩm từ urani, nhằm cung cấp nhiên liệu cải tiến cho một lò phản ứng phục vụ công tác nghiên cứu tại Tehran.

[Iran bắn tên lửa đạn đạo tầm xa có thể diệt tàu chiến vào Ấn Độ Dương]

Trong giai đoạn đầu tiên, Iran sẽ sử dụng urani tự nhiên để sản xuất kim loại urani tại một nhà máy ở thành phố Isfahan. Đây là một bước đi nhạy cảm vì kim loại urani có thể được sử dụng trong chế tạo vũ khí hạt nhân và việc Iran nghiên cứu phát triển sản phẩm từ urani có thể vi phạm các điều khoản trong JCPOA, trong đó quy định rõ những giới hạn đối với việc Iran sản xuất và sở hữu plutoni, urani hay các hợp chất chứa hai thành phần này trong vòng 15 năm.

JCPOA cũng chỉ cho phép Tehran làm giàu urani ở mức 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 20% mà nước này đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết.

Tuy nhiên, JCPOA đã bị lung lay kể từ tháng 5/2018, khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm gây áp lực buộc Tehran đàm phán lại.

Không chấp nhận áp lực từ Mỹ, Iran cắt giảm dần các cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng mức làm giàu urani trở về ngưỡng 20%. Iran khẳng định nước này đủ năng lực làm giàu urani ở độ tinh khiết lên tới 90%, mức đủ để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Trong động thái đưa ra hồi tháng trước, Quốc hội Iran đã thông qua luật yêu cầu chính phủ nước này mở rộng hoạt động hạt nhân, trong đó có việc đưa vào sử dụng nhà máy urani ở Isfahan trong vòng 5 tháng.

Ngoài ra, nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ không được nới lỏng trước ngày 21/2/2021, tức một tháng sau khi nước Mỹ có chính phủ mới, Iran sẽ đẩy mạnh hoạt động làm giàu urani và sẽ giới hạn vai trò thanh tra của IAEA ở nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục