Những người nhập cư tới Anh theo diện Windrush - một chương trình dành cho người di cư từ vùng Caribe tới Anh nhằm bù đắp nhân công thiếu hụt ở nước này sau Chiến tranh thế giới thứ 2, có cơ hội được nhập quốc tịch miễn phí.
Chính phủ Anh ngày 23/4 đã đưa ra thông báo này nhằm trấn an tâm lý hoang mang của những người nhập cư thuộc nhóm đối tượng kể trên liên quan đến việc chứng thực tình trạng cư trú theo yêu cầu của Bộ Nội vụ Anh.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd, đối tượng được xem xét nhập quốc tịch Anh miễn phí gồm thành viên gia đình những thế hệ người Caribe di cư tới quốc gia châu Âu này trước năm 1973 đang sinh sống tại Anh và cả những công dân thuộc các nước thành viên Khối Thịnh vượng chung.
Những người nhập cư vào Anh giai đoạn 1973-1988 cũng sẽ được Chính phủ Anh hỗ trợ để xác định rõ tình trạng lưu trú tại nước này. Ngoài ra, London sẽ thiết lập một cơ chế bồi thường cho những đối tượng bị thiệt thòi do bản thân họ không thể đưa ra giấy tờ chứng minh là cư trú hợp pháp để hưởng mọi quyền lợi theo quy định.
[Thủ tướng Anh xin lỗi các lãnh đạo Caribe về xử lý vấn đề nhập cư]
Sau hàng chục năm nhập cư và đóng góp cho xã hội Anh, nhiều người trong thế hệ di dân Windrush, lấy theo tên con tàu đầu tiên đưa họ đến Anh năm 1948, cho đến nay không có đầy đủ giấy tờ chứng thực tình trạng lưu trú tại Anh.
Thực tế này đã khiến thế hệ con cháu của họ bị ảnh hưởng, bị coi là cư trú bất hợp pháp tại Anh dù được sinh ra, lớn lên và đi làm đóng thuế tại đây, song lại không được hưởng quyền lợi về phúc lợi xã hội và y tế công như những đối tượng cư trú hợp pháp, thậm chí còn đối mặt với nguy cơ bị trục xuất. Thậm chí một số người nhập cư Windrush đã bị trục xuất.
Thực trạng này đã làm bùng phát làn sóng phản đối từ nhiều nước và đã được đưa ra tại hội nghị Khối Thịnh vượng chung ở Anh hồi tuần trước.
Mới đây, Thủ tướng Anh Theresa May đã lên tiếng xin lỗi lãnh đạo các nước vùng Caribe về cách hành xử đối với người di dân thế hệ Windrush, đồng thời cam kết Chính phủ Anh sẽ hỗ trợ những đối tượng nhập cư nói trên khắc phục giấy tờ để họ có có thể tiếp tục cư trú vĩnh viễn và được hưởng mọi phúc lợi xã hội và y tế.
Theo số liệu báo cáo, năm 2015, Anh đã trục xuất 12.056 trường hợp, trong đó 901 người trên 50 tuổi và 303 người là người Jamaica./.